Đề xuất kéo dài cao tốc đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy
UBND tỉnh Hà Giang vừa có Tờ trình Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị tiếp tục đầu tư xây dựng cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn Tân Quang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang.
Theo đó, tỉnh Hà Giang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho chủ trương tiếp tục đầu tư dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang, đoạn Tân Quang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang, theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự án tuân thủ Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1454, với tổng chiều dài tuyến khoảng 59km.
Điểm đầu dự án kết nối với cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), xã Tân Quang, huyện Bắc Quang; điểm cuối tại cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy, tỉnh Hà Giang, thiết kế với tiêu chuẩn cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h, có châm trước một số đoạn qua địa hình đặc biệt khó khăn có vận tốc thiết kế 80km/h.
Trước mắt, đầu tư giai đoạn 1 gồm 2 làn xe và có đường gom; quản lý khai thác trên tuyến theo yêu cầu của đường cao tốc; thực hiện giải phóng mặt bằng hoàn chỉnh theo quy mô đường cao tốc 4 làn xe theo quy hoạch.
Tổng mức đầu tư của dự án dự kiến là 9.800 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ phần chi phí xây dựng 8.325 tỷ đồng; ngân sách địa phương bảo đảm kinh phí công tác bồi thường, GPMB, hỗ trợ, tái định cư là 1.475 tỷ đồng.
Thời gian thực hiện dự án từ năm 2024 đến 2028. Từ năm 2023 thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư; bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư.
Cổng chào năm mới ở TP Nha Trang bị gió xô gãy xuống đường
Hơn 19h ngày 27/1 (mùng 6 Tết), trong cơn gió giật mạnh, cổng chào cao khoảng 5m, rộng khoảng 15m, làm bằng thép được trang trí đèn led để chào mừng năm mới trên đường Trần Phú, TP Nha Trang bất ngờ đổ sập.
Bộ khung của cổng chào gãy đôi, đổ sập đè lên dải phân cách rồi chắn ngang đường, nhiều mảnh vỡ văng tung tóe. Lúc này, khu vực trên có nhiều người đi qua, nhưng may mắn không ai bị thương. Giao thông qua khu vực trên ùn tắc.
Chính quyền địa phương, CSGT có mặt phân luồng, điều tiết giao thông. Dòng xe hướng Phạm Văn Đồng qua cầu Trần Phú được hướng dẫn đi qua đường Xóm Cồn để giảm ùn tắc.
Tối 27-1, ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao tỉnh Khánh Hòa, cho biết đã xử lý xong sự cố.
Hải Phòng rót 1.066 tỷ làm tuyến đường Đỗ Mười kéo dài
Dự án đầu tư xây dựng đường Đỗ Mười kéo dài được thực hiện trên địa bàn 2 xã Tân Dương và Dương Quan, huyện Thủy Nguyên (Hải Phòng) với tổng mức đầu tư dự kiến hơn 1.066 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách.
Trong tổng vốn đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường Đỗ Mười kéo dài, chi phí GPMB ước tính khoảng gần 700 tỷ đồng, còn lại là chi phí xây lắp và các chi phí khác.
Diện tích sử dụng đất của dự án khoảng 52,18ha, trong đó diện tích đường giao thông là hơn 8ha, đất sử dụng cho phát triển đô thị là hơn 44ha, không bao gồm phần diện tích đã giao.
Theo phê duyệt, dự án đầu tư xây dựng đường Đỗ Mười kéo dài là công trình giao thông cấp 2 với tổng chiều dài 1.585m (không bao gồm 160m đi qua dự án Hoàng Huy NewCity đầu tư xây dựng). Mặt đường dao động trong khoảng 36 - 50,5m cùng hệ thống dải phân cách, hè đường.
Đồng thời, chủ đầu tư sẽ đầu tư xây dựng hoàn chỉnh nút giao đồng mức đầu, cuối tuyến và hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên toàn tuyến bao gồm thoát nước mưa, nước thải, hào kỹ thuật, cây xanh, chiếu sáng, bảo đảm sự đồng bộ theo quy mô mặt cắt ngang toàn tuyến.
Theo phân kỳ, dự án sẽ được ưu tiên bố trí vốn trong năm 2022 để thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng và GPMB; tập trung bố trí vốn trong năm 2023 để hoàn thành năm 2024.
Chốt trực tại 80 điểm nóng, Hà Nội giảm mạnh ùn tắc dịp Tết
Tin từ Thanh tra Sở GTVT Hà Nội, từ ngày 19/1 - 26/1, Thanh tra Sở đã kiểm tra, xử lý 13 trường hợp, phạt tiền hơn 31 triệu đồng.
Các lỗi vi phạm chủ yếu như dừng xe nơi có biển cấm, không đóng cửa lên xuống khi xe đang chạy, chiếm dụng trái phép lòng đường, hè phố làm nơi trông giữ xe...
Ông Cao Văn Hiệp - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội cho biết, trong dịp trước và sau Tết Nguyên đán Quý Mão cơ quan này đã tổ chức ứng trực 24h/24h, kịp thời xử lý, giải quyết các tình huống, sự cố mất an toàn giao thông, phối hợp giải quyết các sự cố về giao thông, các điểm ùn tắc phát sinh trên địa bàn Thành phố.
Sở GTVT đã bố trí lực lượng chốt trực tại 80 vị trí, kịp thời phân luồng chống ùn tắc giao thông, đảm bảo trật tự ATGT kết hợp với kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết sự cố giao thông trên các tuyến đường. Bố trí, huy động 5 xe cẩu kéo, cứu hộ sẵn sàng giải quyết các sự cố về ùn tắc giao thông tại lối lên xuống khu đô thị Time City; Ngã 3 Ba La - Quốc lộ 6 - Hà Đông; Bờ Bắc Cầu Thăng Long - Đường Võ Văn Kiệt; Đường Võ Chí Công - Cầu Nhật Tân; Tại Ngã 3 Pháp Vân - Vành Đai 3.
Phía Sở GTVT Hà Nội cũng cho hay giao thông trong các ngày trước, trong và sau Tết Nguyên Đán 2023 cơ bản được đảm bảo, không có ùn tắc kéo dài.
Đáng chú ý, từ 16h00 ngày 25/1 (Mùng 4 Tết) người dân ở các tỉnh trở lại Hà Nội sớm. Nhiều tuyến đường cửa ngõ lớn dẫn vào Thành phố xảy ra ùn ứ giao thông, các phương tiện di chuyển chậm thay vì tắc nghẽn hẳn như nhiều năm trước.
Thành Đô (tổng hợp)