Việc gắn ốp inox hay chi tiết mạ chrome có thể để lại nhiều hậu quả cho xe máy. Các vết trầy xước, vết ố xuất hiện trên những chi tiết nhựa do sự tác động của môi trường như đất/cát, nước mưa và các chất bẩn trên đường sẽ bị giữ lại giữa khoảng không của miếng ốp và chi tiết nhựa của xe mà người dùng sẽ không thể vệ sinh được.
Chưa kể các ốp inox tại những chi tiết có nhiệt độ tỏa ra như lốc máy hay ống xả không những sẽ gây nên hiện tượng oxy hóa, mà còn làm giảm hiệu năng và tuổi thọ đáng kể của động cơ khi bị ‘’bí nhiệt’’ do các ốp gây nên.
Đáng ngại hơn nữa, nhiều xe, thậm chí cả chủ xe cũng "lĩnh đạn"vì va quệt vào các ốp inox trong quá trình làm vệ sinh hoặc dắt xe.
Đơn cử như trường hợp miếng ốp pô trên xe AirBlade. Dù đã được cảnh báo trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng, nhưng vẫn có những nạn nhân tiếp theo gặp phải tai nạn từ miếng ốp pô của chiếc xe mà dịch ra tiếng Việt nghĩa là “thanh kiếm gió” này.
Theo đó, miếng pô này làm bằng kim loại sáng bóng (được quảng cáo là làm bằng inox), mỏng và vát sang hai đầu (trên và dưới), sờ vào thấy gợn ở chỗ tiếp xúc với da tay và đặc biệt sắc, càng sắc hơn nếu lia miếng inox đấy ở vận tốc khoảng 20km/h hoặc lớn hơn. Như một con dao, miếng ốp này tăng thêm phần nguy hiểm và trở thành một "sát thủ" thực sự với những nơi mật độ giao thông dày đặc, dễ va chạm như Hà Nội và các thành phố lớn khác khi các xe di chuyển san sát vào nhau, đặc biệt là lúc đèn đỏ.
Nhiều người hiểu miếng ốp pô này có tác dụng “cách nhiệt”, nhưng trên thực tế thì nguyên mẫu miếng ốp pô xe Airblade đã có phần nhựa bảo vệ làm nhiệm vụ này, gắn miếng ốp pô kim loại tự chế mà NTD hay dùng đã gây tại nạn chỉ có tác dụng “làm đẹp” và thêm phản tác dụng là “làm hại”.
"Không hãng xe nào tại Việt Nam sử dụng những tấm inox sắc cạnh để làm cản pô trên xe máy và khuyến cáo người sử dụng không được lắp thêm", một chuyên gia xe máy khẳng định.
Đào Vũ