Vẫn tồn tại hơn 3.500 lối đi tự mở qua đường sắt
Theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), 5 tháng đầu năm 2023 xảy ra 68 vụ tai nạn đường sắt; trong đó 31 vụ xảy ra tại lối đi tự mở chiếm tỷ lệ 46%, 27 vụ xảy ra dọc đường sắt chiếm tỷ lệ 40% và 10 vụ tại đường ngang cảnh báo tự động chiếm tỷ lệ 15%.
Theo ông Uông Đình Hùng - Phó Trưởng phòng Phòng Pháp chế - Thanh tra (Cục Đường sắt Việt Nam) thì đến nay một số địa phương đã chủ động đầu tư kinh phí rào đóng, xóa bỏ các lối đi tự mở nguy hiểm. Quá trình thi công các dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt Bắc - Nam sử dụng nguồn vốn trung hạn cũng đã hỗ trợ tích cực xóa bỏ các lối đi tự mở nguy hiểm. Qua hơn 3 năm đã xóa bỏ được hơn 500 lối đi tự mở. Hiện vẫn tồn tại hơn 3.500 lối đi tự mở. Công tác xây dựng đường gom, hàng rào ngăn cách đường bộ, đường sắt mới được hơn 8,5/650 km; xây dựng được 4/297 đường ngang. Cục Đường sắt Việt Nam đã có nhiều văn bản đôn đốc nhưng một số địa phương chưa hoặc chậm thực hiện.
Hà Nội dự kiến đặt tên đường, phố theo tên đảo ở Trường Sa
UBND TP Hà Nội lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố năm 2023. Theo đó, thành phố sẽ đặt tên 58 tuyến đường, phố mới ở các quận, huyện: Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Chương Mỹ, Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Mỹ Đức, Quốc Oai, Sóc Sơn, Thanh Trì, Thường Tín.
Đáng chú ý, thành phố dự kiến lấy tên 6 đảo thuộc quần đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa đặt tên cho các tuyến đường ở huyện Gia Lâm.
Cụ thể, đường An Bang được đặt cho đoạn từ ngã ba giao cắt đường Lý Thánh Tông với cầu vượt cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến nút giao cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Đoạn đường dài hơn 1km, rộng 8-10m, vỉa hè mỗi bên 1-2m.
Đường Song Tử Tây sẽ bắt đầu từ ngã ba giao với đường Lý Thánh Tông tại xã Đa Tốn đến ngã ba giao với cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại cầu B1.01. Đường dài 1,2km, rộng 8-10m, vỉa hè mỗi bên 1-2m.
Đường Nam Yết sẽ từ ngã ba giao với đường Lý Thánh Tông đến ngã ba giao với đường đi vào thôn Đào Xuyên, xã Đa Tốn. Đoạn đường dài 1,6km, rộng 8-10m, vỉa hè mỗi bên 1-2m.
Đường Sơn Ca dự kiến từ ngã ba giao với đường Lý Thánh Tông đến ngã tư giao với đường đi xã Đa Tốn, Kiêu Kỵ. Tuyến đường dài 1,7km, rộng 8-10m, vỉa hè mỗi bên 1-2m.
Đường Phan Vinh sẽ từ ngã ba giao với lối vào cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đến ngã ba giao với đường đê sông Bắc Hưng Hải tại ngõ 342 Kiêu Kỵ. Tuyến đường dài 1,8km, rộng 8-10m, vỉa hè mỗi bên 1-2m.
Đường Tiên Nữ sẽ từ ngã tư giao với đường Sơn Ca đến ngã tư giao với đường đê sông Bắc Hưng Hải tại ngõ 342 Kiêu Kỵ. Đường dài 2km, rộng 8-10m, vỉa hè mỗi bên 1-2m.
Thành phố cũng điều chỉnh độ dài của hai tuyến đường, phố. Gồm phố Hà Kế Tấn, quận Hoàng Mai, được kéo dài 470m, đến ngã tư giao cắt với phố Định Công tại cầu Định Công. Đường Dương Đức Hiền, huyện Gia Lâm được kéo dài 2,2km đến ngã ba giao với đường vào Đại học Công nghệ dệt may Hà Nội (giáp xã Xuân Lâm, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh).
Theo kế hoạch, dự thảo nghị quyết về đặt đổi tên đường phố được trình HĐND TP xem xét thông qua tại kỳ họp đầu tháng 7 tới.
6 sân bay được ưu tiên đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng
Theo Quyết định 648/QĐ-TTg ngày 7/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, có 6 sân bay được xác định ưu tiên đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng gồm: Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Phú Quốc. Đây cũng là các cảng hàng không quốc tế quan trọng, đóng vai trò đầu mối.
Giai đoạn 2021 – 2030:
Tầm nhìn 2050:
Ngoài 6 sân bay trên, quy hoạch cũng xác định ưu tiên đầu tư xây dựng mới hoặc mở rộng các cảng hàng không tại vùng sâu, vùng xa, vùng núi, hải đảo; các cảng hàng không có hoạt động quân sự thường xuyên; và các cảng hàng không khác trong hệ thống đáp ứng nhu cầu khai thác, phát triển kinh tế - xã hội.
Anh Nguyễn (tổng hợp)