Các đầu mối và thương nhân ký cam kết bảo đảm cung ứng xăng dầu
Bộ Công thương vừa có công điện yêu cầu Tổng Cục QLTT và Cục QLTT các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu, phối hợp Sở Công thương và lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát toàn bộ hệ thống thương nhân kinh doanh xăng dầu ở tất cả các loại hình.
Bộ đồng thời yêu cầu, tiến hành ký biên bản cam kết về việc đảm bảo cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đối với tất cả các thương nhân đầu mối và thương nhân phân phối trên địa bàn, hoàn thành xong trước ngày 16-11-2022. Bộ Công Thương cũng yêu cầu lực lượng QLTT tập trung giám sát các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang hoạt động trên địa bàn, kiên quyết xử lý nghiêm mọi hành vi vi phạm; kiến nghị thu hồi giấy phép nếu vi phạm dù bất kể thương nhân ở loại hình nào; thực hiện áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Trước đó, theo ghi nhận, trong những ngày gần đây, tại một số địa phương trên địa bàn cả nước vẫn xuất hiện trường hợp nhiều cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngưng hoạt động, gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng.
Chốt làm 1 tuyến đường sắt cao tốc chở khách và hàng
Bộ KH&ĐT và Bộ GTVT vừa thống nhất phương án đầu tư tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam với vận tốc thiết kế 180-250 km/giờ, thay vì 350 km/giờ.
Trước đó, năm 2019, Bộ GTVT đề xuất đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam theo ba kịch bản. Trong đó, kiến nghị chọn kịch bản 3, đó là xây tuyến đường sắt tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ và chỉ chạy tàu khách, cùng với đó là nâng cấp đường sắt hiện hữu để chở hành khách địa phương và vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, liên danh tư vấn thẩm tra do Hội đồng thẩm định Nhà nước mời không đồng thuận kịch bản này.
Tư vấn thẩm tra đề xuất chọn kịch bản 2, nâng cấp tuyến đường sắt hiện hữu thành đường đôi khổ 1.435 mm, điện khí hóa để khai thác chung tàu hàng và tàu khách với tốc độ thiết kế tối đa 180-250 km/giờ, khai thác tốc độ 160-225 km/giờ. Trong đó, tuyến mới sẽ chở hành khách và tàu hàng cao tốc có vận tốc 250 km/giờ. Điểm dừng của tàu khách chỉ ở sáu ga chính gồm Ngọc Hồi, Vinh, Đà Nẵng, Nha Trang, Long Thành, Thủ Thiêm.
Khó chuyển trạm thu phí BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài về tuyến tránh
Cục Đường bộ VN vừa báo cáo Bộ GTVT việc xử lý vướng mắc, bất cập tại một số trạm thu phí, dự án BOT trên địa bàn TP Hà Nội.
Lý giải về kiến nghị di dời trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài trên đường Võ Văn Kiệt về tuyến tránh TP Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) để thu phí đúng quy định của UBND TP Hà Nội, Cục Đường bộ VN cho hay, trước khi triển khai dự án BOT đầu tư xây dựng QL2 đoạn tránh TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc, trạm thu phí Bắc Thăng Long - Nội Bài do Cục Đường bộ VN quản lý, thu phí nộp ngân sách nhà nước.
"Qua kiểm tra cho thấy, trên khu vực tuyến đi qua hiện có 10 nút giao thông kết nối với hệ thống đường giao thông trong khu vực, phương tiện sẽ cơ bản lựa chọn tuyến đường không đi qua trạm thu phí nếu đặt trên tuyến để tránh trả phí. Do vậy, phương án di chuyển trạm về phạm vi dự án BOT đầu tư xây dựng QL2 đoạn tránh TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc là không khả thi", Cục Đường bộ VN cho hay.
Hợp đồng dự án xây dựng QL2 cho phép trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài bắt đầu thu phí từ 1/1/2011, hoàn vốn trong 20 năm 4 tháng, cộng thêm 4 năm tạo lợi nhuận cho nhà đầu tư. Theo hợp đồng dự án này dự kiến kết thúc thu phí vào năm 2035.
Dự án xây dựng QL2 đoạn tránh TP.Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) được Chính phủ phê duyệt và Bộ GTVT ký kết với Công ty cổ phần BOT Vietracimex 8 theo hình thức BOT, có giá trị quyết toán đầu tư là hơn 500 tỷ đồng, thu phí từ 1/1/2011.
Nguyên Đỗ