Khôi phục hoàn toàn thông quan qua các cửa khẩu Lào Cai
Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Lào Cai đã nhận được thư liên hệ của Ban Ngoại vụ huyện Hà Khẩu (tỉnh Vân Nam, Trung Quốc) thông báo về việc khôi phục hoạt động tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai.
Theo Báo Chính phủ, thư liên hệ của Ban Ngoại vụ huyện Hà Khẩu nêu rõ từ ngày 8/1/2023, phía Trung Quốc sẽ khôi phục toàn diện hoạt động thông quan qua các cửa khẩu biên giới, gồm cửa khẩu đường sắt sông Nậm Thi, cửa khẩu đường bộ sông Hồng Trung - Việt.
Phương tiện vận chuyển hàng hóa xuất/nhập khẩu và lái xe sẽ xuất/nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành (Lào Cai), thời gian thông quan từ 7:00 đến 19:00 (giờ Hà Nội).
Đối với người và các phương tiện đi cùng sẽ xuất/nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai, thời gian thông quan từ 7h00 đến 22h00 (giờ Hà Nội).
Để hoạt động xuất/nhập khẩu, xuất/nhập cảnh qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai diễn ra thuận lợi, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Lào Cai đề nghị các đơn vị liên quan có phương án bố trí lực lượng, đảm bảo các điều kiện cần thiết để duy trì hoạt động xuất/nhập khẩu, xuất/nhập cảnh tại các cửa khẩu theo đúng quy định.
Ngành đường sắt thay đổi linh hoạt để cạnh tranh
Thông tin tại Hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2023 của Tông Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) chiều 5/1, ông Đặng Sỹ Mạnh, Tổng Giám đốc VNR cho biết, năm 2022, doanh thu hợp nhất của VNR đạt 7.718,2 tỷ đồng (bằng 113,8% so với cùng kỳ và đạt 115,8% kế hoạch năm) và giảm lỗ khoảng 400 tỷ đồng.
Phát biểu chỉ đạo, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy nhìn nhận, năm 2022 đánh dấu mốc phục hồi của nền kinh tế, trong đó có ngành đường sắt, sản lượng vận tải tăng, giảm lỗ sâu so với kế hoạch, có đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của đất nước.
Theo Báo Chính phủ, Thứ trưởng Huy gợi mở ngành đường sắt cần xác định 3 trụ cột là: Kết cấu hạ tầng bao gồm bảo trì và quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng; vận tải; cơ khí đường sắt. Trong đó, sản phẩm cuối cùng của đường sắt là vận tải, cung cấp cho người dân và doanh nghiệp vận tải hành khách, hàng hóa.
"Đường sắt phải bán thứ thị trường cần. Muốn vậy cần cải thiện chất lượng dịch vụ. Tàu trước hết phải an toàn, đúng giờ, thuận tiện, có thế mới hút được khách đi tàu", Thứ trưởng chỉ rõ.
Lãnh đạo Bộ GTVT cũng cho biết, Bộ GTVT rất quan tâm đến phát triển đường sắt. Ngoài gói 7.000 tỷ nâng cấp kết cấu hạ tầng chạy tàu đã triển khai còn tiếp tục đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường sắt. Nâng cấp đường sắt chính nhằm phát triển vận tải.
Với những vướng mắc từ cơ chế, Tổng công ty là chủ thể chịu tác động lớn, cần chủ động phối hợp, đề xuất để tháo gỡ. Thứ trưởng khẳng định: “Bộ GTVT luôn đồng hành của doanh nghiệp để tháo gỡ các vướng mắc trên tinh thần thượng tôn pháp luật".
Nguyễn Luận (T/h)