Xe khách dán tem kiểm định giả, nhồi nhét 73 người
Vào lúc 11h ngày 30/1, tại km 4 cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (chiều Quảng Ngãi đi Đà Nẵng) thuộc địa phận xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng, Tổ Cảnh sát giao thông thuộc Đội TTKS giao thông đường bộ cao tốc số 5, Phòng hướng dẫn tuần tra, kiểm soát giao thông đường bộ, Cục Cảnh sát giao thông tiến hành dừng phương tiện xe ô tô khách biển số 50F-008.01để kiểm tra điều kiện vận tải hành khách.
Qua kiểm tra, người điều khiển phương tiện tên L.V.H, sinh năm 1978, trú tại huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
Kiểm đếm số người trên phương tiện, tổ công tác phát hiện trên xe chở 73 người, trong khi phương tiện chỉ được phép chở 43 người.
Kiểm tra thêm về điều kiện an toàn của phương tiện, tổ công tác phát hiện tem kiểm định trên phương tiện không có đầy đủ thông tin, có dấu hiệu của việc không phải do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Tổ công tác đã lập biên bản hành vi vi phạm của lái xe L.V.H, đồng thời yêu cầu lái xe L.V.H chấm dứt hành vi vi phạm và bố trí phương tiện khác đủ điều kiện vận tải để thay thế.
Hiện, vụ việc đã được bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi làm giả tài liệu, con dấu của tổ chức, cá nhân và xử lý theo quy định.
Không cứu người gặp TNGT, nữ tài xế bị khởi tố
VKSND huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) vừa phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hằng (SN 1992, trú huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) về tội “Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”.
Theo cơ quan điều tra, khoảng 22h ngày 2/10/2022, Hằng điều khiển ô tô BKS 84L - 4036 chở theo Vương Kim Trực (SN 1985) và Vương Đình Quang (SN 2003, cùng trú huyện Yên Thành) lưu thông tại khu vực huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh. Khi đi đến Km 491+390 thuộc TDP 10, thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hằng dừng xe bên đường để xuống đi vệ sinh.
Lúc này xe của Hằng xảy ra va chạm với xe máy BKS 38P1 - 053.18 do Nguyễn Công Phường (SN 1991, trú tại thôn Lai Lâm, xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) điều khiển theo hướng thành phố Hà Tĩnh đi thành phố Vinh.
Sau va chạm, anh Nguyễn Công Phường ngã ra giữa đường, nằm trên làn xe cơ giới, sát với dải phân cách cứng. Lúc này Nguyễn Thị Hằng lên ô tô di chuyển tiếp, để mặc Nguyễn Công Phường lại hiện trường.
Tiếp đó, xe tải đông lạnh BKS 49C - 103.19 do Tưởng Văn Danh (trú Quảng Bình) điều khiển, lưu thông trên quốc lộ 1A theo hướng Nam - Bắc chạy tới, thiếu quan sát, không làm chủ tốc độ nên đã cán qua người của anh Nguyễn Công Phường khiến nạn nhân tử vong trên đường đi cấp cứu.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Can Lộc cũng đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Tưởng Văn Danh, về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Tạm đình chỉ công tác nhân viên gác chắn trong vụ tàu SE5 va chạm xe đầu kéo
Lãnh đạo Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ Hà Tây vừa nhận lỗi trong vụ tai nạn tàu SE5 hành trình Hà Nội - TP HCM va chạm với xe đầu kéo xảy ra hôm 28/1.
Theo Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ Hà Tây, nhân viên gác chắn phải hạ barie trước 90 giây khi tàu đến. Tuy nhiên, 2 nhân viên trực gác chắn đã hạ barie chậm, để xe đầu kéo chở sắt đi vào lối mở. Do xe dài và nặng, tài xế mất gần 2 phút không thoát khỏi đường giao cắt, gây va chạm với tàu khách SE5.
Bên cạnh đó, 2 nhân viên gác chắn cũng không phát tín hiệu cảnh báo để dừng tàu theo quy định. Mặc dù trước đó, tàu SE5 đã tránh tàu tại ga Phú Xuyên cách vị trí va chạm khoảng 500m, phía ga đã phát tín hiệu báo tàu sắp đến với nhân viên gác chắn trên đường.
Lãnh đạo Công ty cổ phần Quản lý và xây dựng đường bộ Hà Tây đánh giá, 2 nhân viên gác chắn đã xử lý chậm, thiếu kinh nghiệm, có thể do hốt hoảng, mất bình tĩnh. Công ty đã tạm đình chỉ công tác nhân viên gác chắn để chờ kết luận của cơ quan điều tra, sau đó sẽ đưa ra hình thức xử lý.
Chỉ thị nóng cho các nhà thầu công trình hạ tầng giao thông
Bộ GTVT vừa ra chỉ thị số 01/CT-BGTVT yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng thực hiện nghiêm việc kiểm tra, đôn đốc các biện pháp bảo đảm an toàn giao thông, an toàn lao động, vệ sinh môi trường tại các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đánh giá, trong thời gian qua công tác bảo đảm an toàn lao động (ATLĐ), an toàn giao thông (ATGT), vệ sinh môi trường (VSMT) tại các dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đã được các chủ đầu tư/ban QLDA, các nhà thầu thi công, tư vấn giám sát quan tâm, triển khai thực hiện khá đồng bộ, hiệu quả. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Bộ GTVT cũng chỉ rõ tại một số gói thầu/dự án, công tác bảo đảm ATLĐ, ATGT, VSMT vẫn còn tồn tại, hạn chế, một số công trình, dự án vẫn để xảy ra tai nạn lao động.
Để tăng cường công tác bảo đảm ATGT, ATLĐ và VSMT trong thi công xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, thiết bị thi công và người dân khu vực dự án, thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật; Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư/ban QLDA bố trí cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm để quản lý công tác bảo đảm ATGT, ATLĐ và VSMT trong thi công xây dựng bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật.
Thực hiện nghiêm việc kiểm tra, chấp thuận biện pháp bảo đảm ATGT, ATLĐ, VSMT và chỉ cho phép nhà thầu triển khai thi công sau khi biện pháp thi công được chấp thuận.
Cùng với đó, Bộ GTVT yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc nhà thầu thực hiện các biện pháp bảo đảm ATGT, ATLĐ và VSMT trong thi công xây dựng công trình theo đúng biện pháp thi công đã được chấp thuận và theo quy định; kịp thời điều chỉnh, bổ sung khi cần thiết và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Đặc biệt, Bộ GTVT yêu cầu dừng thi công nếu nhà thầu vi phạm ATLĐ, ATGT và VSMT; yêu cầu nhà thầu thực hiện các biện pháp khắc phục. Chỉ cho phép tiếp tục thi công khi bảo đảm đầy đủ các điều kiện theo quy định….
Nguyên Đỗ (tổng hợp)