Mới đây, các sở giao thông vận tải địa phương đã đồng loạt đề xuất bỏ phần thi mô phỏng lái xe ô tô, chỉ nên đưa vào chương trình giảng dạy để nâng cao kỹ năng cho học viên, không đưa phần mềm này vào sát hạch lái xe bắt buộc.
Trong phần góp ý gửi Cục Đường bộ Việt Nam, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam nhận định phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông nên là công cụ hỗ trợ đào tạo, giúp trang bị kiến thức, kỹ năng cho người học vận dụng vào quá trình lái xe sau này.
Việc đánh giá kỹ năng thực hành lái xe của người học đã được thực hiện ở nội dung sát hạch thực hành lái xe. Do đó, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Nam đề xuất xây dựng lại chương trình đào tạo, lồng ghép, giảm số lượng môn học trùng lẫn. Đưa vào chương trình đào tạo môn xử lý tình huống giao thông trên clip mô phỏng để người học làm quen nhưng bỏ quy định phải sát hạch nội dung lý thuyết mô phỏng các tình huống giao thông.
Sở Giao thông vận tải Đà Nẵng cũng đề xuất đưa vào chương trình đào tạo môn xử lý tình huống giao thông trên clip mô phỏng để người học làm quen, đồng thời bỏ quy định phải sát hạch nội dung này.
Sở GTVT TP.HCM cũng đã tổng hợp tiếp nhận ý kiến gửi Cục Đường bộ Việt Nam về sửa đổi, bổ sung các quy định đào tạo, sát hạch giấy phép lái xe (GPLX). Đáng chú ý, nhiều Trung tâm sát hạch cho biết nhận thấy một số bất cập sau một thời gian áp dụng phần mềm mô phỏng tình huống giao thông trong sát hạch lái ô tô.
Theo Sở GTVT TP.HCM, mục đích của phần mềm mô phỏng nhằm thông qua phần mềm, người học nhận biết các tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi lái xe ở các điều kiện, môi trường giao thông khác nhau.
Thông qua phần mềm mô phỏng, người học nhận biết, phân tích và xác định từng giai đoạn xảy ra trong một tình huống giao thông. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thi sát hạch bằng phần mềm mô phỏng, Sở GTVT TP.HCM nhận thấy còn một số bất cập.
Trên cơ sở đó, tổng hợp các ý kiến kiến nghị từ tổ sát hạch, các Trung tâm sát hạch, Sở GTVT TP.HCM kiến nghị phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông chỉ nên đưa vào chương trình giảng dạy để nâng cao kỹ năng lái xe cho học viên, không đưa vào phần sát hạch lái xe bắt buộc.
Thông tư 04/2022 của Bộ GTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2017 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cơ giới đường bộ có hiệu lực từ 15/6/2022, yêu cầu môn thi mô phỏng lái xe ô tô được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với các hạng bằng B1, B2, C, D, E và FC.
Theo đó, từ tháng 6/2022, ngoài nội dung sát hạch lý thuyết 600 câu hỏi về Luật Giao thông đường bộ, học viên khi thi bằng lái xe phải thi thêm nội dung phần mềm mô phỏng với 120 tình huống. Học viên quan sát các tình huống giao thông trong video mô phỏng, khi tình huống nguy hiểm xuất hiện sẽ phải bấm nút dừng.
Nguyễn Luận (Tổng hợp)