Ngay sau khi kết quả cuộc đấu giá được công bố, nhiều người đã không tránh khỏi sự hoài nghi liệu với mức giá cao đến mức khó tin kể trên, người trúng liệu có bỏ cọc? Bởi lẽ, trước đó, trong phiên đấu giá đầu tiên hồi tháng 9/2023, biển số 51K-888.88 của TP.HCM từng được đấu giá với số tiền hơn 32 tỷ đồng, nhưng cuối cùng người trúng đấu giá lại không hoàn thành được nghĩa vụ tài chính và bỏ cọc.
Điểm mới được Công ty Đấu giá hợp danh Việt Nam đưa ra trong quy chế đấu giá lần này, đó là thời gian đấu giá cho mỗi biển số xe ô tô sẽ rút ngắn từ 1 tiếng xuống còn 30 phút. Giá khởi điểm mỗi biển số vẫn là 40 triệu đồng, bước giá 5 triệu đồng. Người dân muốn tham gia đấu giá cần nộp 40 triệu đồng tiền đặt trước và 100.000 đồng tiền phí hồ sơ.
Cuộc đấu giá với biển số 30K-999.99 bắt đầu lúc 9h15 và kết thúc lúc 10h45 cùng ngày. Trong 1 phút đầu, người tham gia đã trả mức giá trên 25 tỷ đồng. Khi cuộc đấu giá kéo dài tới phút thứ 5, mức giá tiếp tục được đẩy lên hơn 75 tỷ. Mức giá này cũng được duy trì tới gần cuối cuộc đấu giá. Kết thúc đấu giá lúc 10h45, mức trúng đấu giá của biển số 30K-999.99 được công bố là 75,275 tỷ đồng.
Biển số, ngũ quý 9 là dãy số luôn được định giá cao nhất bởi đây cũng là dãy số lớn nhất, thể hiện sự "vĩnh cửu" và may mắn nên thường được giới chơi xe săn lùng. Hồi giữa năm ngoái (2023), biển số 30H-999.99 cũng đã được một cô gái ở Phú Xuyên (Hà Nội) bấm ngẫu nhiên và trúng cho một chiếc Kia Morning. Sau đó, biển số này được bán lại kèm theo xe với giá hơn 2 tỷ đồng. Thời điểm này, quy định về đấu giá và định danh biển số chưa được áp dụng.
Như vậy, với con số 75,275 tỷ đồng, 30K-999.99 lập kỷ lục là biển số có mức giá cao nhất được trả trong một cuộc đấu giá từ khi bắt đầu thí điểm đấu giá biển số xe đến nay.
Anh Nguyễn