Theo đó, lãi suất cho vay mua ô tô tại nhiều ngân hàng được tung ra khá hấp dẫn, thấp nhất hiện chỉ hơn 6%/năm và cao nhất là hơn 8%/năm cho thời gian đầu vay.
Sau thời gian ưu đãi, lãi suất thường áp dụng thả nổi, được tính bằng lãi suất cơ sở (là lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng của ngân hàng đó cộng thêm biên độ 3-4%). Mức lãi suất này đã giảm khoảng 1-2%/năm so với 6 tháng trước.
Theo tìm hiểu, ngân hàng có lãi suất cho vay mua ô tô thấp nhất là Shinhan Bank với 6,4%/năm, áp dụng cho 6 tháng đầu. Trong 30 tháng tiếp theo, mức lãi suất là 8,4%/năm. Ngân hàng đang áp dụng sản phẩm vay mua ô tô kéo dài trong 8 năm với hạn mức vay tối đa là 80%.
Thực tế, không chỉ có Shinhan Bank, nhiều ngân hàng cũng đã triển khai gói tín dụng cho khách hàng mua ô tô với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ khách hàng.
Mức lãi suất tại Eximbank triển khai áp dụng là 6,99%/năm cho 6 tháng vay đầu, khách hàng có thể chọn gói sản phẩm cho vay với lãi suất cố định 12 tháng đầu là 7,49%/năm. Thời hạn gói vay kéo dài đến 9 năm với hạn mức vay tối đa là 85% giá trị của tài sản xe thế chấp.
Tại ngân hàng Wooribank, mức lãi suất cho vay cố định năm đầu là 7,3%/năm hoặc lãi suất cố định 2 năm đầu là 8,5%/năm. Khách hàng có thể chọn gói vay với lãi suất cố định 3 năm đầu là 9%/năm. Mức lãi suất thả nổi được tính bằng bình quân lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng của các ngân hàng quốc doanh công biên độ 3,2%. Khách hàng được nhận thêm ưu đãi lãi suất tối đa 0,7% với điều kiện như lựa chọn một số hãng xe theo danh mục mà ngân hàng này đưa ra.
Trong khi đó, Vietcombank hiện áp dụng gói lãi suất vay là 7,5%/năm đầu. Khách hàng có thể vay đến 8 năm với hạn mức vay đạt 85%/năm giá trị xe thế chấp.
Ngân hàng Ocean Bank áp dụng mức 7,8%/năm đang là lãi suất cho vay năm đầu tiên. Từ năm thứ 2, lãi suất thả nổi. Còn tại Ngân hàng An Bình, lãi suất vay mua ô tô là 7,99% năm đầu tiên. Từ năm thứ 2, mức lãi suất thả nổi, dao động ở mức 12%/năm. Thời hạn vay tối đa là 8 năm, áp dụng với xe mới.
Có thể thấy, chính sách giảm lãi suất được triển khai trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp đã giúp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân, giúp nhiều người tự tin hơn với việc vay tiền mua xe.
Bên cạnh chính sách lãi suất tốt, nhiều ngân hàng còn hợp tác với các hãng xe tung ra khuyến mãi hấp dẫn và cho vay lên đến 85% giá trị xe, tức là người mua chỉ cần có khoảng chưa đến 200 triệu là đã có thể dễ dàng sở hữu được chiếc xe 1 tỷ đồng với sự trợ giúp từ ngân hàng.
Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường xe ô tô dịp giáp Tết vẫn đìu hiu, chưa có sự tăng trưởng mạnh về doanh số. Nếu mọi năm, thời điểm này được coi là sôi động nhất của thị trường ô tô thì năm nay các đại lý đều than thở lượng khách sụt giảm.
Năm 2023 là một năm kinh tế khó khăn và thị trường khó lường, người tiêu dùng có xu hướng siết chặt chi tiêu đến mức tối đa trong mua sắm, đặc biệt là với những mặt hàng có giá trị lớn như ô tô.
Xu hướng sụt giảm đáng lo ngại của thị trường ô tô Việt chính thức được xác lập từ tháng 4/2023 khi doanh số ô tô trượt mốc 30.000 xe/tháng xuống còn 22.409 xe, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2022.
Thậm chí, ngay cả khi Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2023/NĐ-CP ngày 28/6/2023 về việc giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, các chương trình ưu đãi của hãng xe và đại lý phân phối vẫn được duy trì.
Theo số liệu của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) tính đến hết tháng 11/2023, tổng doanh số bán hàng toàn thị trường của các đơn vị thành viên đạt hơn 263.200 xe, giảm 29% so với cùng kỳ năm 2022.
Trước tình hình khó khăn của thị trường, sức mua giảm khiến các hãng, các đại lý phải chạy đua các chương trình giảm giá sâu, kích cầu chưa từng có suốt một thời gian dài nhưng doanh số vẫn không được khả quan như mong đợi.
Mặc dù lãi suất cho vay mua ô tô tại nhiều ngân hàng được tung ra khá hấp dẫn, nhưng việc hết hạn chính sách giảm 50% phí trước bạ và tình hình kinh tế khó khăn khiến thị trường xe vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Nguyễn Luận (T/h)