Theo quy định tại Nghị định 46 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực thi hành từ 1/8/2016 thì hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy được quy định rất cụ thể.
Theo đó, tại Điểm b, Khoản 7, Điều 5 thì người điều khiển, người được chở trên ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, cấp cứu người bị nạn thì sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng.
Lỗi tương tự, tại Điểm c, Khoản 7, Điều 6 Nghị định quy định người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng.
Hành vi này khi áp dụng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng sẽ bị phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, quy định tại Điểm b, Khoản 6, Điều 7 Nghị định.
Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác thì mức phạt sẽ từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, quy định tại Điểm c, Khoản 4, Điều 8 Nghị định.
Vụ án gây tai nạn chết người rồi bỏ chạy ngày 11/5 tại Bến Tre, đến ngày 13/5 người gây tai nạn đã ra tự thú với cơ quan công an. |
Ngoài các mức phạt hành chính trên thì người gây ra tai nạn mà bỏ trốn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông;
đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
PV