Đề xuất tăng xe đạp công cộng ở trung tâm TP.HCM
Sau khi cùng nhà đầu tư khảo sát thực tế, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM đã gửi Sở Giao thông Vận tải thành phố kiến nghị tăng xe đạp công cộng ở trung tâm. Đây là một phần trong kế hoạch tổ chức lại giao thông cho khu vực sau khi Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) tái lập mặt bằng.
Theo đó, 7 điểm đậu xe đạp công cộng, mỗi điểm 10-20 chiếc được đề xuất bổ sung trên đường Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, quận 1, giúp khách thuận tiện đi lại.
Trong đó, ba vị trí ở khu vực công trường, gồm: cạnh lối lên xuống ga Bến Thành (gần đường Huỳnh Thúc Kháng); trước trung tâm thương mại đang xây ở đường Trần Hưng Đạo; góc công viên 23/9 - đường Lê Lai. Vỉa hè đường Nguyễn Huệ gồm: trước Công ty Saigontourist; nhà sách Fahasha; toà nhà Sunwah. Điểm còn lại ở công viên bến Bạch Đằng, đoạn đối diện khách sạn Liberty.
Khu vực trên ở "lõi" ở trung tâm TP HCM, tập trung các hoạt động dịch vụ, thương mại, văn hoá, đồng thời là đầu mối giao thông bằng xe buýt, buýt sông.
Theo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, qua khảo sát, khu vực này đang có 8 trạm xe đạp công cộng, trong đó một số vị trí có nhu cầu sử dụng lớn, nhất là dịp cuối tuần nên "quá tải". Do vậy, việc phủ thêm mạng lưới xe đạp công cộng giúp người dân, du khách thuận tiện đi lại chặng ngắn, dễ tiếp cận buýt và Metro số 1 khi đưa vào vận hành.
Hệ thống xe đạp công cộng tại TP HCM bắt đầu triển khai từ cuối năm 2021, với gần 400 xe tại 43 trạm trên vỉa hè nhiều tuyến đường tại quận 1. Mỗi trạm diện tích 10-15 m2, cho 10-20 xe đậu theo từng ô, bố trí gần trạm dừng xe buýt; công viên, điểm du lịch...
Hà Nội xử lý hơn 18.300 trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong quý I
Thông tin từ Phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP.Hà Nội), 3 tháng đầu năm 2023, tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn thành phố tiếp tục được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí so với quý liền kề; giảm về số vụ, số người chết so với cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn thủ đô vẫn diễn biến phức tạp, nhất là các tuyến trục chính, nội đô vẫn xảy ra ùn ứ. Toàn thành phố xảy ra 130 vụ TNGT, làm 56 người chết, 101 người bị thương. Trong đó, xảy ra 1 vụ tai nạn có hậu quả rất nghiêm trọng làm 2 người chết, xử lý hơn 70.000 trường hợp vi phạm pháp luật về giao thông.
Kết quả, trong quý I-2023, lực lượng cảnh sát giao thông Thành phố đã xử lý 71.167 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền trên 148,3 tỷ đồng. Trong đó, xử lý một số trường hợp vi phạm ở mức cao, như vi phạm nồng độ cồn 18.310 trường hợp; vi phạm tốc độ là 2.094 trường hợp; vi phạm quá khổ, quá tải, “cơi nới” thành thùng là 1.977 trường hợp... Kết quả xử lý vi phạm nồng độ cồn của Hà Nội chiếm 14,1% tổng số xử lý vi phạm nồng độ cồn của cả nước.
Ngoài ra, toàn lực lượng cũng xử lý hàng loạt trường hợp đua xe trái phép. Thông qua tuần tra kiểm soát, các đơn vị thuộc Phòng Cảnh sát giao thông đã phát hiện 30 vụ, bắt giữ 32 đối tượng có dấu hiệu phạm pháp hình sự, bàn giao cho cơ quan chức năng điều tra, giải quyết theo quy định.
Các tổ công tác 141 cũng xử lý hơn 2.700 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, trong đó 2.532 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 2.532 phương tiện; phát hiện 35 vụ việc có dấu hiệu tội phạm, bàn giao 41 đối tượng cho các đơn vị chức năng điều tra, giải quyết...
Lào Cai sẽ có nhiều sân bay trực thăng
Lào Cai sẽ nghiên cứu xây dựng sân bay trực thăng tại các huyện Bắc Hà, Bát Xát, thị xã Sa Pa, thành phố Lào Cai phục vụ phát triển du lịch và cứu nạn.
Trong Quyết định quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phê duyệt hôm 29/3, cảng hàng không Sa Pa cũng được định hướng là sân bay quốc tế.
Theo phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải của Lào Cai, trước năm 2030, cao tốc Nội Bài - Lào Cai được xây dựng hoàn chỉnh. Tỉnh cũng sẽ xây dựng tuyến đường sắt nối ga Lào Cai với ga Hà Khẩu Bắc (Vân Nam, Trung Quốc) và đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, theo khổ tiêu chuẩn 1,4 m.
Khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai được định hướng thành trung tâm logistics lớn và quan trọng hàng đầu cả nước; trung tâm giao thương kết nối các nước ASEAN với thị trường vùng Tây Nam - Trung Quốc, châu Âu. Cửa khẩu là khu kinh tế đa ngành, có năng lực tập trung, điều phối hàng hóa, cung cấp dịch vụ logistics chi phí thấp.
Theo quy hoạch, hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, khu logistics, cảng cạn, chợ, khu công nghiệp sẽ được xây dựng hiện đại. Cửa khẩu Lào Cai kết nối liên hoàn với cao tốc Hà Nội - Lào Cai, đường sắt Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai, trở thành động lực tăng trưởng.
Anh Nguyễn (tổng hợp)