Tai nạn xảy ra sáng 24/11, khi ô tô chở nhóm 3 người, gồm hai anh em trai, đi từ Bareilly tới Dataganj ở quận Badaun, bang Uttar Pradesh (Ấn Độ), theo NDTV.
Cảnh sát xác định danh tính hai trong số ba nạn nhân là Vivek và Amit. Trước khi gặp nạn, cả nhóm dự định đi từ Gurugram đến thành phố Bareilly để tham dự đám cưới của một người bạn.
Tuy nhiên, thiết bị dẫn đường dựa trên công nghệ định vị toàn cầu (GPS) đã chỉ dẫn họ đi lên một cây cầu mới bị hư hỏng do lũ lụt hồi đầu năm. Kết quả là chiếc xe đã rơi từ độ cao 15m xuống khu vực sông bên dưới.
"Hồi đầu năm, lũ lụt khiến phần đầu của cây cầu rơi xuống sông, nhưng các hệ thống GPS chưa cập nhật thông tin này. Do đó, tài xế không nắm được tình hình về cây cầu bị hỏng," Ashutosh Shivam, quan chức địa phương cho biết.
Gia đình các nạn nhân xác nhận tài xế đã tham khảo thông tin trên ứng dụng Google Maps khi lái xe. Đồng thời, tỏ ra tức giận khi không có bất kỳ biển cảnh báo hay rào chắn trên cây cầu, gián tiếp gây ra tai nạn thương tâm.
Đây không phải là lần đầu tiên các sự việc thương tâm liên quan đến Google Maps. Trước đó, vào tháng 9/2022, người đàn ông Philip Paxson, cư dân North Carolina, Mỹ đã tử vong sau khi rơi khỏi cây cầu bị sập vì đi theo chỉ dẫn từ Google Maps.
Cây cầu này đã bị sập gần 10 năm trước và không còn khả năng sử dụng. Tuy nhiên, trên Google Maps, đoạn đường này vẫn được hiển thị như một tuyến đường bình thường. Theo đơn kiện từ gia đình nạn nhân, ông Paxson lái xe vào đêm khuya trong điều kiện mưa lớn khiến tầm nhìn bị hạn chế, dẫn đến việc không kịp nhận ra nguy hiểm. Nạn nhân đã rơi từ độ cao 6m xuống dưới khi đang ngồi trong xe và không qua khỏi.
Cách dùng Google Maps hiệu quả, tránh bị nhầm đường, hạn chế tai nạn
Khi xác định lộ trình đi từ điểm A đến B thì người dùng cần xác định luôn phương tiện di chuyển: Ví dụ di chuyển bằng ô tô, xe máy hay... đi bộ. Ứng với mỗi loại phương tiện, Google có đủ dữ liệu để xác định lộ trình hợp lý. Ví dụ như đường cao tốc thì chỉ ô tô mới đi được, đường thô sơ, hẹp thì chỉ xe máy mới đi được.
Nếu bạn xác định sai phương tiện, chẳng hạn đi xe máy mà lại xác định phương tiện di chuyển là ô tô thì Google Maps có chỉ bạn chạy vào cao tốc cũng là điều bình thường.
Bên cạnh đó Google Maps cũng không thể chính xác 100%, sẽ có những trường hợp đường sá thay đổi hay sự cố bất thường mà Google chưa cập nhật kịp. Cũng không loại trừ trường hợp dữ liệu của Google Maps bị sai (dù rất hiếm). Vì vậy một mặt ta nhờ đến sự hướng dẫn của Google Maps, nhưng mặt khác phải luôn chú ý đến đường sá và các biển báo giao thông.
Huỳnh Duy