Ngày 15/9, thông tin từ Ban vận động Cứu trợ Trung ương cho biết, với tinh thần hỗ trợ cao nhất nhanh nhất, kịp thời nhất và đến tận tay người dân, ngay sau khi tiếp nhận được các nguồn kinh phí ủng hộ, trong 2 ngày 12/9 và ngày 13/9, Ban Vận động Cứu trợ Trung ương - UBTƯ MTTQ Việt Nam đã ban hành các Quyết định phân bổ lần 1 chuyển về Ban Vận động Cứu trợ 20 tỉnh bị thiệt hại do bão số 3 gây ra.
Theo danh sách, trong đợt 1 đã chuyển 385 tỉ đồng cho 20 tỉnh. Cụ thể, đã chuyển 20 tỉ đồng cho tỉnh Tuyên Quang, 30 tỉ đồng/tỉnh cho các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Lạng Sơn, Cao Bằng.
Với các tỉnh Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Bắc Kạn mỗi tỉnh được nhận 15 tỉ đồng. Các tỉnh Ninh Bình, Bắc Ninh, Nam Định, Hà Giang mỗi tỉnh nhận 5 tỉ đồng.
Số kinh phí còn lại, Ban Vận động Cứu trợ Trung ương tiếp tục rà soát để phân bổ sớm nhất đến với các địa phương vùng thiệt hại do bão lũ. Dự kiến vào ngày thứ 2 tới (16/9), Ban Vận động Cứu trợ Trung ương sẽ tiếp tục tiến hành phân bổ hỗ trợ đợt 2 dựa trên mức độ thiệt hại của các địa phương.
Ban Vận động Cứu trợ Trung ương sẽ tiếp tục cập nhật và công khai danh sách các tổ chức, cá nhân ủng hộ và việc phân bổ nguồn lực hỗ trợ đến các địa phương chịu thiệt hại bởi cơn bão số 3 trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trước đó, tính đến 17h ngày 14-9, các tổ chức, cá nhân đã ủng hộ bằng tiền mặt và chuyển về tài khoản của Ban Vận động cứu trợ Trung ương là 1.001 tỉ đồng.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã công khai hơn 14.000 trang sao kê tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão số 3 qua 3 tài khoản ngân hàng Vietcombank, VietinBank, BIDV.
Danh sách chuyển tiền hỗ trợ đợt 1 cho 20 địa phương bị thiệt hại do bão số 3 gây ra bao gồm:
Theo Nghị định số 93/2021/NĐ-CP ngày 27/10/2021 của Chính phủ: Về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, tại Điều 11 có đề cập đến Nội dung chi từ nguồn đóng góp tự nguyện. Trong đó khoản 1, Điều 11 nêu rõ: Nguồn đóng góp tự nguyện không có điều kiện, địa chỉ cụ thể được chi theo các nội dung sau:
Hỗ trợ cho người bị thương nặng, gia đình có người mất tích do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; chi phí mai táng cho gia đình có người chết do thiên tai, dịch bệnh, sự cố;
Hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nước uống, thuốc chữa bệnh và nhu yếu phẩm thiết yếu khác cho người dân, hộ gia đình bị khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố;
Hỗ trợ hộ gia đình sửa chữa, xây dựng lại nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn, sửa chữa nhà ở bị hư hỏng nặng; hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp do nguy cơ từ thiên tai, sự cố để ổn định đời sống của người dân;
Hỗ trợ di chuyển người dân ra khỏi vùng xảy ra thiên tai, dịch bệnh, sự cố;
Dựng các lán trại tạm thời cho người dân do phải di dời hoặc bị mất nhà ở;
Vệ sinh môi trường, phòng chống bệnh truyền nhiễm ở khu vực bị tác động bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố;
Hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, hàng hóa cần thiết để phòng, chống dịch bệnh;
Hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu thiết yếu; công cụ, phương tiện sản xuất bị mất, hư hỏng nặng do thiên tai, sự cố gây ra để phục hồi sản xuất và hỗ trợ cải tạo diện tích đất sản xuất nông nông nghiệp bị xói mòn, bồi lấp;
Hỗ trợ sửa chữa, khôi phục công trình phòng, chống thiên tai, giao thông, thông tin, thủy lợi, cấp nước sinh hoạt, điện lực, trường học, cơ sở y tế và công trình hạ tầng thiết yếu khác bị thiệt hại;
Hỗ trợ tiền ăn và chi phí phục vụ sinh hoạt cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của thiên tai, sự cố; các đối tượng phải áp dụng biện pháp cách ly y tế trong thời gian cách ly y tế; người dân gặp khó khăn do phải thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các khoản hỗ trợ khác do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Nam An