Vào tháng 5/2023, anh Cao ở Bắc Kinh, Trung Quốc, đã chi hơn 670.000 NDT (hơn 2,3 tỷ đồng) mua bảo hiểm cho chiếc xe ô tô của mình. Xong xuôi, người đàn ông này đăng tin cho thuê xe của mình thông qua một sàn cho thuê ô tô.
Vào tháng 7/2023, một người thuê chiếc xe này trong lúc lưu thông trên đường cao tốc đã mất lái, khiến xe va chạm với lan can bên đường và bị hư hỏng nghiêm trọng. Cơ quan chức năng xác định người lái xe đã vi phạm luật giao thông Trung Quốc và phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về vụ tai nạn.
Sau khi gửi chiếc xe đi sửa chữa với tổng chi phí hơn 430.000 NDT (hơn 1,4 tỷ đồng), anh Cao làm đơn yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường cho mình nhưng bị đối phương từ chối chi trả. Khi anh Cao hỏi lý do, phía công ty bảo hiểm cho biết: “Chúng tôi làm đúng theo hợp đồng”.
Không đồng tình với lý do này của công ty bảo hiểm, anh Cao đã kiện đơn vị này ra Tòa án nhân dân quận Đông Thành, Bắc Kinh.
Trước tòa, công ty bảo hiểm cho biết họ từ chối bồi thường cho trường hợp của anh Cao là có lý do. Theo đó, trong hợp đồng bảo hiểm ghi rõ xe được bảo hiểm là xe gia đình. Trong trường hợp xe được sử dụng dưới hình thức khác thì chủ sở hữu phải thông báo kịp thời cho đơn vị bảo hiểm. Nếu không, công ty bảo hiểm sẽ không chịu trách nhiệm khi có thiệt hại xảy ra.
Xét trong trường hợp của anh Cao, công ty bảo hiểm cho rằng xe của anh đã cho người khác thuê, điều đó có nghĩa là nó không còn là xe phục vụ cho gia đình mà là xe thương mại. Điều này cũng làm thay đổi bản chất của việc sử dụng xe và làm gia tăng đáng kể mức độ sử dụng phương tiện và nguy cơ thiệt hại cho phương tiện. Hơn nữa, phía công ty bảo hiểm cũng không được thông báo về sự thay đổi này nên họ sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường cho chiếc xe của anh Cao.
Đáp lời của công ty bảo hiểm, anh Cao cho biết anh chỉ cho thuê chiếc xe với nhu cầu phục vụ gia đình chứ không cho thuê với mục đích kinh doanh vận tải như vận tải hành khách, vận chuyển hàng hóa nên không phải là phương tiện vận tải thương mại như công ty bảo hiểm nói.
Sau khi xem xét vụ việc, tòa án cho rằng theo quy định của Luật bảo hiểm Trung Quốc, nếu mức độ nguy hiểm của đối tượng bảo hiểm tăng lên đáng kể trong thời gian hợp đồng có hiệu lực thì người được bảo hiểm phải thông báo kịp thời cho bên bảo hiểm theo quy định của hợp đồng. Từ đó, đơn vị bảo hiểm có thể tăng phí bảo hiểm hoặc chấm dứt hợp đồng theo quy định của hợp đồng. Nếu chủ sở hữu phương tiện không thực hiện nghĩa vụ thông báo thì đơn vị bảo hiểm không phải chịu trách nhiệm bồi thường phí bảo hiểm do khi xảy ra thiệt hại vì mức độ nguy hiểm của đối tượng được bảo hiểm đã tăng lên đáng kể.
Đặt vào trường hợp này, anh Cao cho thuê chiếc xe thông qua một nền tảng cho thuê xe có lộ trình lái xe và phạm vi sử dụng xe khác với xe gia đình, điều này đã vi phạm quy định trong hợp đồng bảo hiểm. Thứ hai, sau khi cho thuê xe, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có thể thuê xe. Bên thứ ba không xác định không quen với tình trạng của xe sẽ làm tăng rủi ro cho phương tiện. Từ đó khiến xác suất rủi ro của phương tiện cao hơn đáng kể và ảnh hưởng đến số tiền phí bảo hiểm mà công ty bảo hiểm phải chi trả nếu có thiệt hại xảy ra.
Cuối cùng Tòa án nhân dân quận Đông Thành cho rằng anh Cao đã vi phạm hợp đồng và bác bỏ đơn kiện của người này theo đúng quy định của pháp luật.
Ánh Lê (Theo Sina)
Bình luận tiêu biểu (0)