1. Ô tô trên đường có thể trò truyện với nhau
V2V (Vehicle-to-vehicle) và V2I (vehicle-to-infrastructure) là loại công nghệ giao tiếp cho phép phương tiện có thể "trò truyện" với nhau, cũng như với cơ sở hạ tầng xung quanh.
V2V hoạt động nhờ sử dụng các tín hiệu không dây để trao đổi thông tin về hướng đi, tốc độ, vị trí… giữa các xe. Nhờ vậy mà các phương tiện có thể giữ một khoảng cách an toàn, giảm nguy cơ xảy ra va chạm.
|
Trong khi đó, V2I cho phép ô tô có thể "giao tiếp" với cơ sở hạ tầng như đèn tín hiệu hay hệ thống biển báo, tiếp nhận thông tin từ hệ thống quản lý về lưu lượng giao thông, tình trạng tắc đường… giúp người lái lựa chọn tuyến đường đi thuận tiện nhất tại mỗi thời điểm.
GM được xem là một trong những hãng xe đầu tiên đưa công nghệ vào vận hành thực tế trên Cadillac CTS 2017. Ngoài ra, Mercedes-Benz E-Class 2017 cũng sử dụng công nghệ liên lạc V2V để chia sẻ thông tin về giao thông, tình hình thời tiết hay điều kiện đường xá phía trước tới các phương tiện khác.
2. Kính chắn gió ảo
Công nghệ của Jaguar Land Rover giúp biến kính chắn gió của xe thành một màn hình thông minh. Với việc hiển thị đầy đủ các thông số như tốc độ, số đang cài, đường đua ảo hoặc thậm chí cả việc giả lập “xe ma”, công nghệ này mang lại cảm giác lái vô cùng thú vị, giống như trên các tựa game đua xe.
3. Đèn pha chỉnh hướng theo mắt
|
Được phát triển bởi Opel, công nghệ đèn pha có khả năng điều chỉnh hướng chiếu sáng theo hướng nhìn của tài xế. Hệ thống này hoạt động nhờ vào một camera tích hợp cảm biến, có nhiệm vụ “quét” mắt người lái và ước tính tầm quan sát, sau đó đèn pha sẽ tự điều chỉnh theo hướng phù hợp.
4. Ô tô thải ra nước
Khái niệm xe chạy bằng tế bào nhiên liệu (fuel cell) thân thiện với môi trường chỉ mới ra đời cách đây hơn một năm nhưng đã nhanh chóng thu hút sự quan tâm của đông đảo người tiêu dùng trên thế giới. Toyota đã hiện thực hóa công nghệ mà chưa hãng xe nào khám phá được với chiếc Mirai vận hành chỉ bằng gói nhiên liệu Hydro và thải ra hơi nước.
Xe Toyota Mirai. |
5. Tua-bin năng lượng điện
Động cơ đốt trong sử dụng xăng hay diesel đang dần được thay thế bằng các loại động cơ mới tiết kiệm và cho hiệu suất cao hơn. Tuy còn khá mới lạ nhưng động cơ tua-bin đặc biệt được chú ý bởi ưu điểm công suất lớn và hoàn toàn xanh. Hiện loại động cơ này đang được ứng dụng trên máy bay, và hứa hẹn sẽ sớm có mặt trên ô tô khi các hãng xe phát triển được kích thước và tỷ lệ phù hợp.
6. Vỏ xe sợi carbon tích hợp pin
Phần nặng nhất của mỗi chiếc xe điện là ắc quy. Vì thế, việc năng lượng được tích hợp và lưu trữ trực tiếp trên tấm thân của xe sẽ giúp giảm trọng lượng, đồng thời tối ưu hóa không gian. Công nghệ này từng được Volvo thử nghiệm vào năm 2013, với chiếc S80 sở hữu phần nắp ca-pô, cốp, cửa và tấm trần làm bằng vật liệu mới.
7. Lốp xe tạo điện
|
Ứng dụng tính vật lý của hiệu ứng áp điện, Goodyear từng đưa ra ý tưởng về loại lốp làm bằng vật liệu áp điện có khả năng tự tạo ra điện năng khi ôtô đang di chuyển. Khi xe vận hành càng nhiều, tính ma sát của mặt đường càng lớn, thì pin xe càng được sạc đầy. Thậm chí, loại lốp này cũng có khả năng "quang hợp" khi có thể tự sản sinh năng lượng điện thông qua việc hấp thụ ánh sáng mặt trời.
ANH BẰNG