1. Các thiết bị điện tử
Điện thoại, sạc pin dự phòng, các thiết bị điện tử (máy ảnh, máy quay, laptop)… nắng nóng sẽ ảnh hưởng đến tuổi thọ hoặc làm hỏng các thiết bị điện tử kể trên. Đối với pin, nếu để trong xe quá lâu, với nhiệt độ quá cao, chúng có thể phát nổ. Tuyệt đối không để điện thoại và sạc dự phòng trên ô tô trong tình trạng đang sạc, lúc này nguy cơ sẽ tăng gấp nhiều lần.
Đặt để, sạc các thiết bị điện tử trên ô tô khi đậu ngoài trời nắng nóng lâu sẽ khiến chúng dễ phát nổ, gây cháy xe. |
2. Nước uống có gas và chai nước trong suốt
Dưới tác động của nhiệt độ cao, lượng gas trong chai/lon đồ uống có gas sẽ tác động mạnh lên thành vỏ đựng và có thể phát nổ bất kỳ lúc nào.
Với nước uống đựng trong chai trong suốt (nhựa hoặc thủy tinh), nếu để ở những nơi nhiều ánh sáng mặt trời như bảng taplo sẽ khiến một lượng sáng bị hội tụ, tập trung một vị trí và dễ gây cháy. Đối với chai nhựa thường đựng nước khoáng, nhiệt độ cao sẽ làm biến đổi tính chất của nhựa, sản sinh ra những chất có hại cho sức khỏe con người.
Chai nước vô hại cũng có thể phát nổ trong ô tô đỗ ở ngoài trời nắng nóng quá lâu. |
3. Mỹ phẩm và thuốc
Nhiệt độ cao sẽ làm cho các sản phẩm này dễ biến chất, gây tác dụng ngược đối với sức khỏe và ảnh hưởng tới làn da người sử dụng. Một số loại như kem chống nắng dạng xịt, nước hoa dạng xịt, nước thơm xịt xe, bình rửa tay khô dạng xịt cũng sẽ gây nổ khi gặp nhiệt độ cao. Thực tế, đã có nhiều vụ các loại chai, bình như trên gây cháy, nổ như “tên lửa” trên ô tô vì sự bất cẩn của người dùng.
Chỉ vì một chiếc bình xịt rửa tay khô đặt trong ô tô đỗ dưới trời nắng quá lâu mà chiếc Honda Civic này đã bị thổi bay nóc. |
4. Bật lửa, bình chữa cháy
Bật lửa ga và dưới tác động của nhiệt độ cao trong xe, khí gas giãn nở dễ gây phát nổ, cháy nội thất bằng da, nỉ trên xe, thậm chí vỡ kính, móp méo nội thất…
Với bình chữa cháy, tuy không gây cháy xe khi nổ nhưng hậu quả cũng rất lớn, dễ gây nứt kính, bể dàn tablo, hỏng hóc nội thất. Bình chữa cháy dễ nổ trong các trường hợp: mua phải bình không đảm bảo chất lượng, bình quá hạn hoặc để bình ở gần nơi mặt trời chiếu vào như cốp chứa đồ, bảng tablo, khay để đồ bên dưới kính xe con…
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh, chủ xe cũng đừng quên bảo dưỡng ô tô thường xuyên ở những địa chỉ uy tín, tin cậy. Khi đi đường, tránh những nơi phơi rơm rạ, nhiều rác dễ bám vào gầm xe (đặc biệt đường ở nông thôn). Cần mua xăng ở những nơi đảm bảo, khi đi đường xa cứ khoảng 2-3 tiếng phải nghỉ 1 lần cho người và xe đều được “nghỉ ngơi”.
Nguyên Đỗ