Sau vụ Phó Đức Nam (còn gọi TikToker Mr Pips, 30 tuổi, quê Bà Rịa - Vũng Tàu) lừa đảo hơn 5.200 tỷ đồng khiến hàng nghìn người dân bị mất trắng tài sản, ngày 12/12, Công an quận Tân Phú (TPHCM) đã phát đi thông tin khuyến cáo người dân không nên tin lời mời đầu tư lợi nhuận khủng.
Theo đó, công an khuyến cáo người dân không tin vào các lời mời đầu tư lợi nhuận cao vì đây là dấu hiệu rõ ràng của các vụ lừa đảo. Cụ thể, những đối tượng lừa đảo thường cam kết lợi nhuận "khủng" trong thời gian ngắn mà không có bất kỳ cơ sở nào chứng minh tính khả thi của các khoản đầu tư.
Với kinh nghiệm triệt phá nhiều đường đây lừa đảo trên không gian mạng, công an nhận định thủ đoạn thường bắt đầu giăng bẫy bằng những hình ảnh giàu có, hào nhoáng trên mạng xã hội, sau đó sẽ thực hiện hành vi lừa đảo như kêu gọi đầu tư vào những dự án ma, đầu tư tiền ảo, chứng khoán quốc tế với hứa hẹn, cam kết lợi nhuận cao, nhưng mục đích thật sự là để chiếm đoạt.
Đó cũng là chiêu thức đối tượng Phó Đức Nam đã sử dụng để lập kỷ lục về quy mô lừa đảo chứng khoán quốc tế, ngoại hối mà Công an TP Hà Nội mới triệt phá gây xôn xao dư luận thời gian vừa qua.
Chia sẻ trong một phóng sự của VTV, một thanh niên bị lừa đảo đầu tư cho biết chính sự xuất hiện hào nhoáng của một người nhiều tiền đã khiến anh ngưỡng mộ. Điều này tác động đến tâm lý khi Nam đưa ra những thông tin khiến nạn nhân không đủ tỉnh táo để có thể kiểm tra những thông tin đó xem đúng thực sự như Nam nói hay không.
Trong hàng nghìn nạn nhân của vụ lừa đảo trên không gian mạng đặc biệt lớn là nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh nợ nần, bế tắc.
"Trước mặt gia đình thì không dám để lộ ra là mình đang nợ tiền, sau lưng thì lúc nào cũng chỉ muốn khóc hoặc làm những điều dại dột, nên mình nghĩ giấu được bao giờ thì giấu", một nữ nạn nhân bị lừa đầu tư chứng khoán quốc tế nức nở nói.
Một nữ nạn nhân khác thì đau xót cho biết đến lúc mất thì chị không còn nhà để ở, hiện đang phải đi ở nhà thuê, "gia đình thì không có, sống rất khổ".
Công an liên hệ, nạn nhân vẫn không tin bị lừa
Theo Công an quận Cầu Giấy, số tài sản thu giữ hiện nay không dừng lại ở con số 5.200 tỷ đồng. Có người bị lừa số tiền lên đến 40 tỷ đồng. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục xác minh, thu hồi tài sản và làm rõ các đối tượng liên quan.
Tuy nhiên, trong quá trình tìm và xác minh các bị hại trong vụ án, cơ quan điều tra còn gặp rất nhiều khó khăn do các bị hại nghĩ đây là những sàn chứng khoán được cấp phép, chính thống, việc bị mất tiền là do may rủi nên không hợp tác, trình báo, từ chối cung cấp thông tin của các đối tượng cho cơ quan điều tra.
"Ban đầu, số lượng rất nhỏ, dần dần về sau cứ lớn dần, đến khi người ta bị lừa muốn rút ra không được. Thậm chí có những người bị lừa mất cả nhà, mất tất cả tài sản nhưng vẫn không nghĩ là mình bị lừa, vẫn nghĩ do mình chơi chứng khoán bị thua", Thượng tá Hoàng Ngọc Cương, Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy, Hà Nội, cho biết.
"Dựa theo dữ liệu xác minh thu thập được trên hệ thống của các đối tượng lừa đảo, chúng tôi trực tiếp liên hệ với với một số bị hại để xác minh. Điều bất ngờ là họ lại tưởng chúng tôi là kẻ lừa đảo mạo danh và nói "thôi quay về làm người đi cháu ạ", và không tin bản thân họ bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tiền" - Tiền Phong dẫn lời một cán bộ điều tra chia sẻ.
Đến khi vụ án được chia sẻ rộng rãi trên báo chí truyền thông, bắt đầu có nhiều người gọi điện đến cơ quan công an để trình báo. Đáng chú ý, có những ngày, cơ quan điều tra nhận đc gần 100 cuộc gọi của các nhà đầu tư bị lừa đảo. Nhiều người không dám trình báo vì sợ trình báo sẽ bị xử lý về hành vi đánh bạc.
Theo cơ quan công an, đối với các trường hợp bị lừa đảo thì cơ quan chức năng sẽ thu thập thông tin để làm căn cứ trả lại tiền cho bị hại.
Trang Anh