Những ngày cuối tuần vừa qua, dự án Trải nghiệm văn hoá cùng Rose Ng - “Kinh Kỳ do Rose Ng kết hợp cùng Cready và Hà Thành Mansion thực hiện đã thu hút được đông đảo giới trẻ Hà Thanh tham gia. “Kinh Kỳ” bắt đầu với chủ đề: Tôn vinh nghệ thuật tranh Hàng Trống – một dòng tranh truyền thống lâu đời của người Tràng An.
Đây là một dịp để khán giả được hòa mình vào không gian văn hoá Tràng An xưa, qua lăng kính đương đại, với sự kết hợp cùng Hà Thành Mansion trong ẩm thực phong vị Kinh Kỳ. Đây sẽ là trải nghiệm “ngắm – thưởng”, nơi người tham gia được thỏa mãn từ nhìn – nghe – cảm nhận cho đến thưởng thức. Sự kiện được diễn ra dành riêng cho khách mời vào ngày 2 - 3/1/2025 và mở cửa tự do cho khách tham dự từ ngày 4 - 6/1/2025.
Bên cạnh việc thu hút Gen Z - đối tượng mục tiêu chính của chương trình - khám phá nghệ thuật dân gian, Kinh Kỳ còn đón nhận sự ủng hộ rất lớn từ khán giả nhiều lứa tuổi khác nhau, từ những gia đình tứ đại đồng đường, các em bé từ 1 đến 15 tuổi, và cả khách thăm quan nước ngoài từ Đức, Đài Loan, Trung Quốc. Văn hoá truyền thống, bên cạnh là sân chơi thú vị cho các bạn trẻ, còn giúp gắn nhiều nhiều thế hệ gia đình và đa dạng nền văn hoá với nhau.
Dự án giới thiệu các bức tranh độc đáo từ gia đình nghệ nhân Lê Đình Nghiên, giới thiệu những bản khắc gỗ 100 - 200 năm tuổi của nhà tranh Vũ Hải, bên cạnh các tác phẩm được nghệ nhân phục dựng hết sức công phu từ những bản tranh cổ và bộ sưu tập tranh Hàng Trống của nhà sưu tầm Rose Ng. Khách mời còn được nhìn ngắm từ những bản khắc “trẻ” khoảng 80 năm tuổi đến những bản khắc “già” gần 200 năm tuổi - linh hồn của cả một dòng tranh, là ký ức của phố thị xưa.
Đặc biệt, trải nghiệm tự tay làm tranh Hàng Trống là một trong những hoạt động được hầu hết các khách mời yêu thích nhất. Khán giả được hướng dẫn và tham gia thực hành in mộc bản tranh truyền thống trên giấy dó với kỹ thuật in ngửa ván, đây là kỹ thuật đặc biệt khác với dòng tranh Đông Hồ. Mỗi vị khách có thể tự tạo nên bức tranh “độc nhất vô nhị” của riêng mình, cảm nhận trọn vẹn tinh thần và sự kỳ công của nghệ thuật Hàng Trống. Đây là một trải nghiệm giúp khán giả kết nối với quá khứ, như chạm vào dòng chảy văn hoá vẫn luôn âm thầm chảy qua từng thế hệ.
Rose Ng và Cready thực hiện “Kinh Kỳ” với kỳ vọng trở thành cầu nối giữa nghệ thuật dân gian và đời sống đương đại. Thông qua triển lãm – workshop – trải nghiệm đột phá, dự án mong muốn khơi dậy niềm tự hào, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị văn hoá tốt đẹp mà cha ông để lại.
“Văn hoá không phải một thứ sờ nắn được mà phải trải nghiệm, và văn hoá dân gian cần được sống tiếp trong đời sống hiện đại,” Rose Ng chia sẻ. Dự án hướng tới việc truyền cảm hứng để những người trẻ, đặc biệt là GenZ, tiếp tục khám phá, kế thừa và nuôi dưỡng sức sống của nghệ thuật truyền thống trong tương lai.
Rose Ng (Nguyễn Hồng Nhung), tốt nghiệp ngành Visual Communication & Design tại Đức và hiện đang là Founder/Creative Director của Cready Creative. Từ một nhiếp ảnh gia nổi tiếng đến founder của creative agency, Rose Ng luôn hướng đến xây dựng đến những giá trị sáng tạo bền vững cho thế hệ trẻ và cộng đồng Việt Nam. Và dự án “Kinh Kỳ” - Với mong muốn gìn giữ và tiếp nối những giá trị văn hoá nghệ thuật dân gian, đồng thời thổi làn gió mới, đưa hơi thở đương đại vào kho tàng văn hoá truyền thống, cũng là một trong những giá trị tốt đẹp mà cô hướng đến.
Nghệ nhân Lê Đình Nghiên là người cuối cùng của tranh dân gian Hàng Trống - dòng tranh đặc sắc của Hà Nội xưa. Sinh ra và lớn lên trong gia đình ba đời theo nghề, ông tiếp tục lưu giữ và phát triển tinh hoa của nghề vẽ tranh truyền thống. Từ năm 10 tuổi, ông đã theo cha là cụ Lê Đình Liêu – một nghệ nhân nổi danh – dẫn dắt vào nghề. Trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, với niềm đam mê và sự kiên trì, ông đã gìn giữ những giá trị tốt đẹp của dòng tranh Hàng Trống trong hơn 60 năm qua.
Năm 1972, ông Nghiên được Bảo tàng Mỹ thuật mời về làm việc tại Trung tâm phục chế tranh dân gian. Tại đây ông có điều kiện nghiên cứu nhiều loại tranh dân gian nói chung và tranh Hàng Trống nói riêng, được lưu giữ trong kho bảo tàng.
Nguyên An