"Có những cuộc gặp khiến mình nghĩ nếu từ bỏ Nghị Lực Sống thì tàn nhẫn quá"
Chị Nguyễn Thị Vân và anh trai, cố Hiệp sỹ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, là hai người khuyết tật nặng sinh ra và lớn lên tại Nghệ An. Chính những khó khăn, sự kỳ thị mà họ phải trải qua đã thôi thúc họ vượt lên số phận.
Năm 2001, một chiếc máy tính đã mở ra một thế giới hoàn toàn mới cho hai anh em. Nhờ tự học không ngừng, họ đã thành thạo công nghệ thông tin và tiếng Anh, từ đó có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình. Thấy được những lợi ích của công nghệ mang lại cho người khuyết tật, năm 2003, họ bắt đầu chia sẻ kiến thức với những người có hoàn cảnh giống mình.
Năm 2008, Trung tâm Nghị Lực Sống ra đời và trở thành Doanh nghiệp xã hội vào năm 2022 với tên gọi Công ty Cổ phần Nghị Lực Sống - Doanh Nghiệp Xã Hội. Tại đây, người khuyết tật được đào tạo nghề IT miễn phí và tìm được việc làm ổn định.
Khi mọi việc đang tiến triển tốt đẹp, thì năm 2012, chị Vân phải đối mặt với một biến cố lớn. Anh Nguyễn Công Hùng đột ngột qua đời, để lại trách nhiệm nặng nề ở Nghị Lực Sống lên vai người em gái.
Chia sẻ về giai đoạn này, chị Nguyễn Thị Vân (co-founder kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Nghị Lực Sống) xúc động:
"Khi anh Hùng mất và giao lại công việc cho Vân, có những giai đoạn cảm rất stress, áp lực vì dòng tiền. Vì khi đó mô hình của mình vẫn là đào tạo nghề nhưng theo hướng từ thiện. Vì thế mình luôn phụ thuộc các nguồn tài chính từ bên ngoài. Đôi khi kể cả mình làm tốt mà không có nhà tài trợ tiếp thì lại phải xoay sở. Có những lúc mình nghĩ 'Ôi, thế cứ như thế này thì mình không thể nào đủ sức khỏe thể chất và tinh thần để tiếp tục'.
Nhưng sau đó, mình thấy các học viên có sự thay đổi sau khóa học, họ đi làm rồi có thu nhập, gia đình họ rất hạnh phúc... Thậm chí có bà mẹ tới nói 'Vân ơi, con và Nghị Lực Sống đã cứu vớt cả cuộc đời không chỉ con cô mà cả gia đình cô, bây giờ cô có mất thì cũng nhắm mắt được rồi!'.
Sau những cuộc gặp như thế, mình cảm giác nếu từ bỏ thì tàn nhẫn quá. Kiểu như ông trời cho mình khả năng làm việc đấy mà mình lại không làm thì không đúng sứ mệnh, lý do mình được sinh ra. Thế là lại cố gắng tiếp tục.
Rồi tới một lúc, Vân cùng đội ngũ quyết định phải thay đổi cách thức làm việc, thay đổi mô hình làm sao để bản thân tổ chức bền vững đã. Khi tổ chức bền vững thì mới hỗ trợ được cộng đồng bền vững.
Vì thế Nghị Lực Sống đã thay đổi thành mô hình doanh nghiệp tạo tác động xã hội, bắt đầu tham gia nhiều hoạt động kinh doanh, tự tạo thu nhập cho chính mình. Đấy là một bước ngoặt rất lớn. Và đến giờ thì thấy rất đúng đắn.
Khi chúng mình chủ động được kinh tế, lại có sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp khác nữa thì làm việc rất nhẹ nhàng, không có bị áp lực vấn đề tài chính, quy mô được mở rộng hơn rất nhiều".
Là một người khuyết tật, bản thân chị Nguyễn Thị Vân đã có rất nhiều khó khăn, lại phải gánh vác thêm trọng trách ở Nghị Lực Sống, mọi chuyện càng không đơn giản. Tuy nhiên, chị luôn cảm thấy an toàn, có thêm động lực nhờ sự hỗ trợ từ người chồng Neil Bowden.
Anh hiểu, tự hào và luôn động viên để chị làm việc vì cộng đồng người yếu thế tại Việt Nam. Bản thân anh Neil Bowden "đơn giản" là luôn theo chị Vân 24/24, hỗ trợ, chăm sóc vợ từ những điều nhỏ nhất:
"Anh Neil không can bao giờ đâu. Vì với anh ấy, công việc của vợ đáng tự hào. Anh ấy đi bất cứ nơi nào, gặp đối tác hay gia đình cùng nói rằng vợ rất tuyệt vời, vợ đang làm công việc rất vĩ đại, giúp đỡ được nhiều người. Anh kể những câu chuyện của học sinh cho mọi người nghe. Với anh, những công việc của Vân và đội ngũ đang làm là nên làm và cần làm tốt hơn nữa.
Chỉ có ba mẹ Vân là hay lo thôi. Ba mẹ hay nghĩ là mình đã cống hiến đủ rồi, nên hãy dành thời gian nghỉ ngơi, đi chơi, gặp gỡ bạn bè... Nhưng ba mẹ cũng nhận ra rằng, làm việc giúp đời sống tinh thần mình tốt lên. Vì thế sức khỏe của mình cũng tốt hơn so với người bệnh chỉ nằm ở nhà. Nên chỉ thỉnh thoảng lo lắng thì các cụ mới nhắc" - chị Nguyễn Thị Vân tiếp.
Chú thích ảnh: Chị Nguyễn Thị Vân và đại diện Nghị Lực Sống, đại diện Ban Giám khảo tại Triển lãm Hành động vì cộng đồng.
BOX: "Anh Neil luôn luôn ở cạnh Vân, 24/7, bất cứ việc gì, bất cứ ở đâu thì anh luôn bên cạnh. Những sự hỗ trợ của anh không cần phải nói nhiều, chỉ biết là anh luôn có mặt ở đó, luôn hỗ trợ mình từ việc đẩy xe lăn hay nâng lên nâng xuống, vì anh sợ người khác không quen lại làm vợ đau hay ngã… " - chị Nguyễn Thị Vân nói về sự ủng hộ của chồng, anh Neil Bowden.
"Mình muốn qua Human Act Prize, doanh nghiệp đến bên mình tuyển dụng nhiều hơn…"
Nghị Lực Sống đã là một trong 32 dự án lọt vào vòng Chung kết Giải thưởng Hành động vì cộng đồng – Human Act Prize 2024. Chia sẻ về việc đến với giải thưởng, chị Nguyễn Thị Vân nói:
"Giải thưởng Human Act Prize năm ngoái đã được truyền thông rất nhiều, lan tỏa trên mạng xã hội. Bên mình vốn làm về IT, sống ở trên mạng nên cũng biết tới giải thưởng này. Năm nay thì chị Minh (Ngô Thị Huyền Minh - Tổng giám đốc Nghị Lực Sống) đã đưa dự án tham dự giải.
Đến với Human Act Prize 2024, mình chỉ truyền tải lại chính những gì Nghị Lực Sống vẫn làm thôi. Mình đã làm từ 2003, là 21 năm rồi. Công việc này giống như hơi thở của mình vậy, nên khi chuẩn bị để tham gia giải thưởng thì mình cũng không chuẩn bị gì đặc biệt đâu, cứ thế là đi, là chia sẻ những gì có trong mình thôi, mặc đồ đẹp vào, chuẩn bị một tâm hồn đẹp là đi!".
Đến với Human Act Prize 2024, kỳ vọng của chị Nguyễn Thị Vân là Nghị Lực Sống sẽ được lan tỏa hơn nữa, để có thể giúp đỡ được thêm nhiều người khuyết tật:
"Mình cho rằng Nghị Lực Sống nên xuất hiện nhiều trên cộng đồng. Human Act Prize là một sự kiện lớn, có rất nhiều đơn vị truyền thông tham gia, dự án của mình sẽ lan tỏa hơn nữa. Các doanh nghiệp sẽ biết tới bên mình, biết bên mình làm việc rất hiệu quả để có thể tới bên mình tuyển dụng. Bên mình xuất hiện để muốn được nhiều người biết tới, tham gia cùng, có thể là những người cần bên mình hỗ trợ hoặc những người sẽ đồng hành với bên mình.
Khi biết dự án được vào vòng chung kết thì rất là vui, vì nhiều người đánh giá cao các hoạt động mình đang làm. Đấy cũng là một cách cộng đồng tiếp sức cho mình. Bởi vậy cả nhóm Nghị Lực Sống đều có cảm hứng rất lớn, và cũng hy vọng rằng có thể được giải!", chị Vân cười chia sẻ.
Chia sẻ thêm về những dự định sắp tới của Nghị Lực Sống, chị Nguyễn Thị Vân tiết lộ:
"Ngày xưa, chúng mình sẽ tập trung vào việc làm sao để hỗ trợ những người vẫn còn hai tay tốt và mắt tốt. Đấy là những người khó khăn rồi, nhưng vẫn có những người còn khó khăn hơn, thậm chí có những người chỉ nằm được trên giường thôi, họ có thể bị hỏng mắt hoặc hai tay không cử động được.
Bây giờ mạng xã hội rất tốt, từ tiktok tới facebook... những công việc như live stream bán hàng rất hiệu quả. Vì thế chúng mình đang cố gắng phát triển theo hướng ấy. Chúng mình xây dựng BigHeart MCN, một mạng đa kênh để hỗ trợ những người khuyết tật muốn xây kênh, như các bạn đang muốn trở thành người bán hàng, người sáng tạo nội dung. Đấy cũng là một cách để mình hỗ trợ được nhiều hơn, nhanh hơn, tiết kiệm mà hiệu quả.
Vì khi các bạn bán hàng, cứ ra đơn là có tiền, có tiền thì ắt sẽ tự tin lên. Chúng mình làm việc rất thực tế, đôi khi hay trêu nhau là "xôi thịt" nhưng phải có tài chính, tự tạo được thu nhập cho chính mình. Kể cả các em chỉ nằm được ở nhà, nhưng tài khoản cứ ting ting thì tự nhiên các em có niềm vui, rồi tự tin hơn, từ đó sẽ biết cách làm sao phát triển bản thân hơn nữa".
Nước mắt vì những nỗ lực thuần khiết cho người khuyết tật
Ở phần thuyết trình tại vòng chung khảo Human Act Prize 2024 ngày 22/11, chị Nguyễn Thị Vân đã lên thuyết trình cùng chị Ngô Thị Huyền Minh. Ở cuối phần thuyết trình, khi gửi lời cảm ơn những cá nhân, tổ chức đã đồng hành cùng Nghị Lực Sống nhiều năm qua, chị Ngô Thị Huyền Minh bật khóc.
Chia sẻ về cảm xúc khi đó, chị Minh nói:
"Khi mình nhìn lại hành trình hơn 15 năm, nhìn thấy kết quả sự chung tay của mọi người, đặc biệt hầu hết là những cá nhân, tổ chức đồng hành cùng Nghị Lực Sống từ những ngày đầu tiên, không vì bất cứ lợi ích gì, nó rất thuần khiết, đơn giản chỉ là muốn chung tay góp sức, tạo ra một giá trị nào đấy cho cộng đồng người khuyết tật.
Học viên của Nghị Lực Sống, lúc đầu đến với bọn mình, nhiều bạn mới chỉ biết đọc, biết viết, thậm chí có những bạn còn chưa biết đọc, biết viết. Khi ấy mình lại phải nhờ người này người kia dạy cho các bạn ấy.
Khi nhìn lại hành trình đến hôm nay, với hơn 1.500 học viên đã được đào tạo ở Nghị Lực Sống, từ những điều kiện như thế, với tỷ lệ 70% học viên có việc làm, mức lương trung bình 6,5 triệu đồng/tháng, đó là kết quả ngoài mong đợi của mình, ngoài sự tưởng tượng của mình mà Nghị Lực Sống có thể làm được cho cộng đồng yếu thế này".
Tổng giám đốc của Nghị Lực Sống hy vọng ngày càng có nhiều đơn vị tạo điều kiện cho người khuyết tật được làm việc:
"Mình tin là cuộc thi này sẽ đưa hình ảnh, hoạt động của nhóm tới cộng đồng nhiều hơn, lan tỏa hơn. Bây giờ Nghị Lực Sống đã có 18 doanh nhân là cổ đông, chung tay với bọn mình. Các doanh nghiệp ngày càng mở rộng cơ hội, sẵn sàng tìm ra các vị trí phù hợp cho các bạn khuyết tật.
Việt Nam có 7 triệu người khuyết tật, chỉ cần mỗi doanh nghiệp chịu dành ra 1% nhân sự, sử dụng người khuyết tật tại các vị trí phù hợp thì cả cộng đồng này sẽ sống khỏe, sống tốt, sống hạnh phúc.
Trong cả cộng đồng nói chung sẽ luôn có nhóm người này, nhóm người kia. Chúng ta không thể để nhóm nào chịu thiệt thòi hơn hay bị bỏ lại phía sau.
Khi chúng mình thực hiện các công việc như hiện tại, cũng là truyền cảm hứng cho những cá nhân, cộng đồng cùng chung tay tạo ra một giá trị nào đấy dù lớn dù nhỏ, để phát triển cả xã hội, đất nước Việt Nam mình".
Vô Danh