Một trong những những công ty khai thác lớn nhất thế giới đang đào bới trong các ngăn kéo tủ, điện thoại cũ và bãi rác của nước Mỹ để tìm loại “vàng đỏ” giá trị. Chúng chính là những mảnh đồng đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi năng lượng.
Điện thoại di động bị cắt nhỏ, cáp máy tính và ô tô cũ bị nghiền nát chất thành đống cao hơn 9 mét bên ngoài nhà máy luyện đồng 97 năm tuổi Glencore. Nhà máy này nằm sâu trong một khu rừng thưa dân ở phía bắc Canada. Tại đó, phế liệu được nấu chảy và đồng được cô đặc để sản xuất ra những tấm kim loại mới.
Các thiết bị điện tử cũ đã trở thành đầu vào cho nhà máy luyện kim. Hiện tại, Glencore và các nhà sản xuất đồng khác đang mở rộng phạm vi thu mua phế liệu để tăng năng lực tái chế.
Việc tăng cường chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang điện tái tạo hứa hẹn sẽ tái thiết thị trường hàng hóa. Nếu nước Mỹ cần ít dầu thô và than hơn, thì họ sẽ cần nhiều lithium hơn cho pin xe điện cũng như cho các cột điện lớn. Và đồng là vật liệu cần thiết trong mọi thứ liên quan đến điện.
Kunal Sinha, giám đốc tái chế của Glencore cho biết: “Trong 25 năm tới, chúng ta sẽ tiêu thụ nhiều đồng hơn mức nhân loại đã tiêu thụ từ trước đến nay”.
Nhu cầu đồng tăng vọt trong những thập kỷ gần đây do Trung Quốc thúc đẩy hiện đại hoá. Luật thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Mỹ cũng làm gia tăng nhu cầu kim loại đỏ. Các trung tâm dữ liệu đang được xây dựng để hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI) cũng cần đến đồng. Và điện thoại thông minh cũng vậy.
Glencore ước tính rằng nguồn cung đồng toàn cầu phải tăng khoảng 1 triệu tấn mỗi năm cho đến năm 2050. Điều đó sẽ đòi hỏi lượng đồng bổ sung hàng năm tương đương mỏ lớn nhất thế giới Escondida của Chile.
Giá trị của phế liệu
Ngay cả khi tìm thấy những mỏ đồng lớn, phải mất hàng thập kỷ để đưa các mỏ kim loại vào hoạt động. Chiến lược gia Tom Mulqueen của Citigroup cho biết điều đó ngăn các công ty khai thác bắt kịp nhu cầu mới, khiến thị trường phải tìm đến phế liệu.
Không giống như dầu mỏ hay các loại thực phẩm, đồng có thể tái chế vô hạn. Rất nhiều đồng đang nằm trong bãi phế liệu và bãi chôn lấp. Khi giá tăng, các nhà tái chế sẽ có nhiều động lực để mua lại chúng. Giá đồng hiện đang ở mức cao nhất từ trước đến nay.
Tuy nhiên, nhu cầu có thể bị thay đổi do nền kinh tế Trung Quốc ảm đạm, sản xuất suy giảm hoặc quá trình chuyển đổi năng lượng bị đình trệ.
Theo ước tính của công ty dữ liệu năng lượng Wood Mackenzie, gần một nửa nhu cầu sẽ là đồng tái chế vào năm 2050, tăng so với tỷ lệ 1/3 của hiện tại. Rất nhiều phế liệu của Mỹ được chuyển đến châu Á, nhưng các nhà sản xuất đồng đang xây dựng năng lực tái chế ở Bắc Mỹ.
Công ty Wieland của Đức đã bắt đầu xây dựng một cơ sở tái chế trị giá 100 triệu USD tại Shelbyville, tiểu bang Illinois của Mỹ vào năm 2022. Công ty này đang tiếp tục đàm phán với Bộ Năng lượng để được tài trợ thêm 270 triệu USD cho việc mở rộng cơ sở.
Một công ty Đức khác là Aurubis đang xây dựng một cơ sở tái chế trị giá 800 triệu USD tại Augusta, Georgia. Một phát ngôn viên cho biết công ty đã bắt đầu tìm nguồn phế liệu và dự kiến sẽ sản xuất đồng vào năm tới.
Cuộc tìm kiếm toàn cầu
Các nhà giao dịch của Glencore ở Toronto, Thụy Sĩ và New York được giao nhiệm vụ tìm phế liệu. Các vật liệu từ khoảng 40 quốc gia được đưa đến Rouyn-Noranda rồi được vận chuyển đến Glencore. Thậm chí, cổng lò luyện kim còn có một thùng rác để 42.000 cư dân xung quanh gom dây điện cũ và đồ gia dụng hỏng.
Công ty này cũng đang tìm kiếm tại các bãi rác ô tô. Các bộ phần hữu ích và kim loại sẽ được lấy ra khỏi ô tô trước khi chúng được nghiền nhỏ. Glencore phát hiện ra rằng lượng đồng trong bãi rác ô tô có thể cao gấp đôi so với đồng trong các mỏ địa chất.
Phế liệu chất đống ở Quebec được cắt nhỏ hơn nữa và đưa vào lò luyện kim 1.200 độ C. Cuối cùng, kim loại nóng chảy sẽ được làm mát và chuyển đến nhà máy lọc dầu Montreal của Glencore. Tại đó, chúng được nấu chảy lại một lần nữa để thu thập các kim loại khác như bạch kim, palladium, bạc và vàng.
Theo WSJ
Anh Dũng