Những năm tháng rực rỡ
Cuối năm 2002 đầu năm 2003, cái tên General Motor xuất hiện tại Việt Nam sau khi tập đoàn mẹ mua lại công ty Daewoo Motor - Hàn Quốc. Như vậy VIDAMCO đã trở thành một thành viên của Công ty ô tô và công nghệ GM Daewoo (GMDAT) và nằm trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của General Motor. Ngay lập tức những hiệu ứng cực tốt đã lan tỏa tới các dòng sản phẩm chủ lực của GM tại Việt Nam. Cụ thể là những chiếc Matiz hay sau này là Spark Super - Tiên phong cho mẫu xe hạng A đô thị và làm mưa làm gió trên thị trường. Đâu đâu cái tên Matiz hay Spark cũng được người ta nhắc đến, chiếc xe "nhỏ nhưng có võ" của GM được coi là biểu tượng, khởi thủy cho một cuộc chạy đua về sản phẩm sau này.
Chưa hết hai đàn anh của Matiz là Lacetti và Gentra cũng trở nên quen mắt trên các cung đường từ thành phố tới nông thôn. Từ hãng taxi tới chủ gia đình, dường như những năm tháng ấy hai cái tên này đều xướng lên đầu tiên.
Chevrolet Spark từng là kẻ kiến tạo cuộc chơi. |
Đỉnh điểm của một Chevrolet hưng thịnh khi cái tên Captiva xuất hiện. Một mẫu xe không có đối thủ vào những năm 2006-2007. Cháy hàng, xếp hàng đợi xe là tình cảnh chung của những thượng đế bấy giờ. Cung không đủ cầu, cơn sốt mang tên Captiva cứ kéo dài mãi... Chưa kể đến dòng xe đa dụng đầu tiên được GM đưa tới khách Việt là Chevrolet Vivant cũng tạo nên một hiệu ứng đáng kể hay sedan cỡ C Chevrolet Cruze cũng khiến các đối thủ không khỏi giật mình.
Cho đến một hiện thực bẽ bàng
Năm 2011 Vidamco chính thức đổi tên thành GM Việt Nam. Công thức đổi tên gắn với thành công có lẽ không còn là nghiệm đúng gần một thập kỷ. Khi mà ở các phân khúc từ A, B, C đến MPV các đối thủ dần điền đầy và có những "miếng đánh" giá trị thì những chiếc xe gắn mác Chevrolet trở nên lù mờ. Captiva hay Spark không còn là những lựa chọn đầu tiên bởi những mẫu xe khác có giá bán cạnh tranh, thiết kế ấn tượng, tiện nghi hơn thương hiệu Mỹ. Những cỗ máy của người Hàn, người Nhật được đánh giá tiết kiệm nhiên liệu, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng rẻ hơn nhiều.
Ngoài ra một thực tế phũ phàng nữa khi mà một bộ phận không nhỏ khách Việt "chết mê, chết mệt" ngoại hình trước rồi mới đến động cơ, cảm giác lái. Đó là điều mà Captiva - hiện thân của thời hoàng kim không làm được. Cụ thể, kiểu dáng, phom xe gần như không có một sự lột xác hay thay đổi mang tính cách mạng nào kể từ năm 2006. Có chăng là việc tinh chỉnh, thêm thắt cho bớt nhàm chán. Thượng đế thì họ cần sự thay đổi, thay đổi một cách rõ rệt chứ không phải là việc chắp vá, hời hợt. Thiết kế ô tô cũng không là ngoại lệ.
Phom dáng của Captiva gần như không đổi sau một thập kỷ. |
Còn Matiz hay Spark ư? Giờ đây đã có quá nhiều sự lựa chọn khác tới từ người Hàn, có những mẫu xe họ bán được 5 vạn xe chỉ sau 36 tháng. Còn Spark trong năm 2017 chỉ bán ra vỏn vẹn hơn 2.000 xe - Một con số quá chênh lệch.
Công bằng mà nói, Chevrolet cũng đã nhanh chóng đưa "món mới" về cho khách hàng thế nhưng giá bán quá cao, chậm chân trong cuộc đua tiên phong khiến một hệ quả bẽ bàng với Trax - "Bom xịt" của thương hiệu Mỹ tại Việt Nam. Cụ thể, mẫu SUV đô thị luôn nằm trong top xe ế âm nhất thị trường, cụ thể năm 2017 chỉ có 384 chiếc được đưa tới khách hàng.
Có chăng là sự ghi nhận của thị trường đối với mẫu bán tải Colorado khi bán ra được tới 3.082 xe trong năm vừa qua, là một trong những mẫu xe bán chạy nhất phân khúc. Nhưng đội hình chỉ có "ngôi sao cô đơn" thì khó có thể giành chiến thắng khi mà phần còn lại đều đã "rệu rã, mỏi mệt".
Thị trường, thị hiếu luôn vận động và thay đổi một cách chóng mặt. Cơ hội nào cho Chevrolet tìm lại khoảnh khắc huy hoàng khi mà các đối thủ ngày càng gia tăng khoảng cách, sản phẩm và liên tiếp tạo ra những cuộc đua về giá bán để tăng doanh số trong những năm gần đây./.
Sơn Lê