Ngày 30/10, người dùng tham gia chương trình tiếp thị liên kết (Affiliate Marketing) của sàn thương mại điện tử Temu nhận được thông báo về cập nhật mới liên quan đến chính sách hoa hồng. Theo đó, thay vì nhận mức hoa hồng chia sẻ từ 10 – 30% dựa theo giá trị đơn hàng của người được giới thiệu, theo chính sách mới, người tham gia Affiliate Marketing sẽ nhận mức hoa hồng chung là 20% cho 10 đơn hàng đầu tiên được thực hiện bởi người được giới thiệu.
Ví dụ, theo chính sách cũ của Temu, với đơn hàng dưới 1,24 triệu đồng, người giới thiệu được hưởng 10%; đơn hàng 1,25-2,49 triệu đồng, được hưởng 20% và đơn hàng từ 2,5 triệu đồng trở lên người giới thiệu sẽ được hưởng 30%. Với chính sách mới, mức hoa hồng sẽ là 20% áp dụng cho 10 đơn hàng đầu tiên của người được giới thiệu.
Động thái thay đổi chính sách hoa hồng tiếp thị liên kết của Temu được đưa ra trong bối cảnh sàn thương mại điện tử này bị Bộ Công Thương “tuýt còi” do hoạt động không phép tại Việt Nam.
Theo đó, ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Văn bản số 8598/BCT-TMĐT chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về thương mại điện tử.
Văn bản nêu rõ, trong thời gian gần đây, các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688… đã tiến hành các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa tiến hành đăng ký hoạt động với Bộ Công Thương, thu hút sự chú ý lớn của người tiêu dùng tại Việt Nam và trở thành chủ đề nóng trên nhiều phương tiện truyền thông.
Nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả của công tác thực thi pháp luật, Bộ Công Thương yêu cầu Thủ trưởng các Đơn vị khẩn trương tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, cụ thể:
Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu, Shein, 1688… nói riêng. Đặc biệt, tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử. Thời gian thực hiện trong tháng 10/2024.
Bộ Công Thương yêu cầu Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số chủ động liên hệ với đội ngũ pháp lý của Temu yêu cầu tuân thủ pháp luật hiện hành của Việt Nam, trong trường hợp cần thiết có thể phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông có giải pháp kỹ thuật ngăn chặn phù hợp. Thời gian thực hiện trong tháng 10/2024.
Trao đổi với PV Đời sống & Pháp luật, Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết theo điểm d khoản 1 Điều 4 Nghị định số 52/2013/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 85/2021/NĐ-CP) của Chính phủ quy định về thương mại điện tử, pháp luật nghiêm cấm các hành vi cung cấp các dịch vụ TMĐT hoặc dịch vụ giám sát, đánh giá và chứng thực trong TMĐT khi chưa đăng ký.
“Giả sử sàn TMĐT hoạt động bán hàng khi chưa được cấp phép/đăng ký thì có thể được xem là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi mà chủ thể vi phạm có thể bị xử lý vi phạm hành chính”, Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh.
Theo điểm a khoản 4 Điều 62 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2022/NĐ-CP) của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, về hành vi vi phạm về thiết lập website TMĐT hoặc ứng dụng TMĐT trên nền tảng di động (gọi tắt là ứng dụng di động),
Người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với hành vi không đăng ký website cung cấp dịch vụ TMĐT hoặc ứng dụng dịch vụ TMĐT với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định. Đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt tiền gấp đôi.