Để chủ động với diễn biến của áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công điện chỉ đạo các địa phương, đơn vị tập trung ứng phó.
Theo đó, Quảng Bình cấm biển từ 0h ngày 19/9 cho đến khi biển an toàn theo thông báo của cơ quan khí tượng thủy văn.
Các đơn vị thuộc lực lượng Bộ đội Biên phòng, Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị xã ven biển… tập trung rà soát, kiểm đếm tàu hàng, tàu cá đang hoạt động trên biển, đặc biệt lưu ý các loại thuyền nan, thuyền nhỏ.
UBND tỉnh yêu cầu, bằng mọi biện pháp, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để không đi vào hoặc thoát ra khu vực nguy hiểm, về nơi tránh trú an toàn.
Chỉ đạo các tổ, đội đánh bắt trên biển duy trì liên lạc và hỗ trợ nhau khi có sự cố, tổ chức, hướng dẫn gia cố và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn về người, tài sản trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản…
Bên cạnh đó, khẩn trương kiểm tra các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu… để chủ động sơ tán người dân, tài sản đến nơi an toàn.
Dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm đề phòng bị chia cắt dài ngày, nắm chắc thông tin người dân đi rừng và thông báo, kêu gọi trở về an toàn trước khi mưa lũ. Bố trí lực lượng kiểm soát tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, bến đò…
Từ chiều qua (17/9), ngư dân ở Quảng Bình đã bắt đầu đưa tàu thuyền vào các âu tránh trú bão. Tại các âu tàu Nhật Lệ, âu tàu Cửa Phú, TP Đồng Hới, ngư dân đã đưa tàu đánh bắt xa bờ vào neo đậu tránh trú để tránh thiệt hại xảy ra.
Ở những vùng biển bãi ngang các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy ngư dân cũng đang tời, kéo tàu thuyền có công suất nhỏ lên bờ để tránh sóng lớn đánh hư hỏng.
Ông Đào Xuân Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới cho biết: "Tàu cá của bà con ngư dân trên địa bàn đang gấp rút di chuyển vào bờ. Hiện, chính quyền địa phương đang hướng dẫn tàu thuyền neo đậu và triển khai công tác đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tại nơi tránh trú".
Xuân Hương