Ấn Độ đang dần loại bỏ vũ khí của Nga khi nước này tìm cách tích hợp các hệ thống hoặc phương án thay thế được sản xuất trong nước và không bị ràng buộc với chuỗi cung ứng của Nga. Các báo cáo từ Ấn Độ cho biết, tên lửa không đối không tầm ngắn R-73 do Nga sản xuất, một vũ khí quan trọng của Su-30MKI, sẽ được loại bỏ để chuyển sang tên lửa không đối không tầm ngắn tiên tiến (ASRAAM).
Ấn Độ đang nỗ lực tích hợp ASRAAM vào biến thể "Super Sukhoi" - phiên bản nâng cấp Su-30MKI của Ấn Độ. Tên lửa này do nhà sản xuất quốc phòng châu Âu MBDA phát triển và Không quân Ấn Độ đang hợp tác với Hindustan Aeronautics Limited (HAL) và Bharat Dynamics Limited (BDL) để tích hợp.
Tên lửa ASRAAM
ASRAAM là tên lửa tiên tiến được thiết kế cho không chiến tầm gần, mang lại khả năng cơ động và độ chính xác cao ở tầm gần. Mục đích chính của tên lửa là cung cấp lợi thế chiến thuật trong các cuộc giao tranh trên không. Tên lửa dài khoảng 3m với đường kính 16cm và nặng khoảng 87kg và có tốc độ khoảng Mach 3. ASRAAM tương đối nhẹ và phù hợp để tích hợp với nhiều loại máy bay chiến đấu khác nhau, bao gồm Eurofighter Typhoon, F/A-18 và F-35.
Hệ thống dẫn đường của tên lửa sử dụng một đầu dò hồng ngoại có độ phân giải cao, cho phép theo dõi và nhận dạng mục tiêu tự động. ASRAAM tự hào có một đầu dò hồng ngoại tiên tiến với trường nhìn mở rộng, có khả năng phát hiện mục tiêu 360 độ xung quanh máy bay. Hệ thống dẫn đường được thiết kế để duy trì khóa mục tiêu ổn định, ngay cả khi chúng thực hiện các thao tác phức tạp.
Được trang bị hệ thống dẫn đường điều khiển bằng đuôi và khí động học hiệu suất cao, ASRAAM có thể thực hiện các cú rẽ và tăng tốc nhanh khi thay đổi hướng. Nhờ vậy mà tên lửa đặc biệt phù hợp cho các cuộc giao tranh không đối không, nơi tốc độ và khả năng cơ động là rất quan trọng.
Tên lửa sử dụng đầu đạn phân mảnh, được thiết kế để tối đa hóa sức phá hủy khi tấn công mục tiêu. Đầu đạn này được trang bị cảm biến tiệm cận và tác động trực tiếp, giúp tăng đáng kể khả năng tấn công thành công.
ASRAAM được chế tạo tập trung vào thời gian phản ứng tối thiểu, trong những tình huống quan trọng và đặc biệt hiệu quả đối với các mục tiêu nằm ngoài tầm nhìn trực tiếp của phi công, nhờ khả năng tương thích với hệ thống ngắm "bắn và quên". Sự kết hợp giữa các công nghệ và tính năng tiên tiến khiến tên lửa trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu cho không chiến.
Khi so sánh ASRAAM với R-73 của Nga, rõ ràng cả hai tên lửa đều đóng vai trò quan trọng trong không chiến tầm gần nhưng có những đặc điểm và công nghệ riêng biệt, mang lại lợi thế trong những tình huống khác nhau. ASRAAM có khả năng cơ động và độ chính xác cao, tận dụng đầu dò hồng ngoại 360 độ và động cơ tên lửa hai tầng để đạt tốc độ vượt quá Mach 3.
Mặt khác, R-73 do Nga phát triển, được ca ngợi vì sự nhanh nhẹn tuyệt vời và khả năng dẫn đường tự động sau khi phóng, nhờ hệ thống dẫn đường điều khiển bằng đuôi độc đáo. Tên lửa được trang bị đầu đạn uy lực, khiến nó đặc biệt thích hợp trong các cuộc đối đầu tầm gần.
Mặc dù cả hai tên lửa đều được thiết kế để chiến đấu trên không tầm gần, nhưng khái niệm hoạt động và tích hợp vào máy bay của chúng lại khác nhau. ASRAAM được thiết kế để trang bị cho các dòng máy bay chiến đấu hiện đại. Trong khi đó, R-73 chỉ được tích hợp vào các dòng máy bay Nga.
Chương trình Super Sukhoi
Phiên bản nâng cấp Su-30MKI của Ấn Độ, được gọi là "Super Sukhoi", dự án này nhằm mục đích nâng cao hiệu quả chiến đấu và khả năng hoạt động của máy bay bằng cách kết hợp các công nghệ và hệ thống tiên tiến, giúp cải thiện đáng kể khả năng chiến đấu trên không của máy bay.
Super Sukhoi được trang bị hệ thống kiểm soát hỏa lực mới, thiết bị điện tử nâng cao và hệ thống radar hiện đại, giúp cải thiện khả năng phát hiện và theo dõi mục tiêu trên không. Trọng tâm chính của quá trình hiện đại hóa là tích hợp tên lửa và vũ khí mới, bao gồm các biến thể tiên tiến hơn của tên lửa không đối không như ASRAAM.
Khả năng mới này giúp máy bay tấn công và tiêu diệt mục tiêu ở tầm xa hơn, kết hợp với khả năng cơ động được cải thiện, cho phép Ấn Độ duy trì lợi thế chiến lược trong khu vực. Ngoài ra, dự án nâng cấp còn bao gồm các hệ thống quản lý và liên lạc tiên tiến, tăng cường sự phối hợp giữa các nền tảng vũ khí và trung tâm chỉ huy.
Super Sukhoi không chỉ nhằm mục đích tăng cường sức mạnh chiến đấu của Không quân Ấn Độ, mà còn trao quyền cho Ấn Độ để giải quyết các mối đe dọa ngày càng gia tăng trong khu vực. Trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và cạnh tranh ở Nam Á, những nâng cấp như vậy rất quan trọng để duy trì an ninh quốc gia.
Quang Hưng