Đặt mục tiêu 100% ô tô dùng tài khoản thu phí điện tử
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có Quyết định số 965/QĐ-BGTVTY về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và Chuyển đổi Số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030.”
Theo đó, Đề án tập trung phân tích, đánh giá hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin đối với lĩnh vực đường bộ, từ đó đề ra các quan điểm chỉ đạo và mục tiêu để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và Chuyển đổi Số trong lĩnh vực đường bộ giai đoạn 2023-2025, định hướng đến 2030.
Trong giai đoạn 2023-2025, Bộ đặt mục tiêu 100% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; tối thiểu 50% cuộc họp được thực hiện theo hình thức trực tuyến, tài liệu cuộc họp gửi thông qua hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc, văn phòng điện tử, giảm tối đa việc sử dụng tài liệu giấy; 100% chế độ báo cáo trong lĩnh vực đường bộ được chuẩn hóa và quản lý bằng hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin.
Trong giai đoạn này, 100% dữ liệu kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do Trung ương quản lý được thu thập và cập nhật vào cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác theo dõi, thống kê, xây dựng chính sách, lập quy hoạch, kế hoạch đầu tư công, phê duyệt dự án bảo trì; phấn đấu 100% hồ sơ hoàn công trong xây dựng, sửa chữa được cập nhật và số hóa; tối thiểu 10% khối lượng kế hoạch bảo trì được lập tự động thông qua cơ sở dữ liệu trên hệ thống...
Đặc biệt, Bộ Giao thông Vận tải đặt mục tiêu phấn đấu 100% phương tiện ôtô sử dụng tài khoản thu phí điện tử để thanh toán đa mục đích cho các dịch vụ giao thông đường bộ nhằm tăng tính tiện lợi cho người dân và doanh nghiệp, giảm chi phí xã hội.
Điều chỉnh dải phân cách trên đường Nguyễn Trãi
Từ ngày 8/8, Sở Giao thông Vận tải (GTVT) Hà Nội cùng các đơn vị liên quan đã tiến hành tháo dỡ dải phân cách cứng trên đường Nguyễn Trãi sau một năm thử nghiệm.
Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, việc dỡ dải phân cách cứng chỉ là tạm thời để phục vụ dự án thoát nước thải Yên Xá đang thi công trên tuyến đường.
Lưu lượng và hướng đi của phương tiện có thay đổi; nhất là khi tới đây, học sinh, sinh viên tựu trường, giao thông đi lại qua đường trục chính này sẽ tăng cao.
Trước đó, cách đây 1 năm, Sở GTVT Hà Nội thí điểm phân luồng, tổ chức giao thông lại trục đường Nguyễn Trãi nhằm giảm thiểu ùn tắc.
Đoạn thí điểm từ Ngã Tư Sở đến hầm chui Thanh Xuân, hai làn sát vỉa hè sẽ dành cho xe máy, xe thô sơ, xe buýt được phép hoạt động. Đồng thời 3 - 4 làn sát dải phân cách dành cho xe ô tô được phép hoạt động.
Sở GTVT cũng điều chỉnh phân làn và phương tiện bằng dải phân cách cứng như mũi tên phản quang, trụ chống va xô (bằng lốp), hàng rào di động… kết hợp điều chỉnh hệ thống biển báo, sơn kẻ với mục đích giảm ùn tắc ở tuyến đường này, nhất là trong giờ cao điểm.
Tăng phí cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình và TP HCM - Long Thành - Dầu Giây
Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa có văn bản gửi Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ GTVT và Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam về việc điều chỉnh mức giá sử dụng dịch vụ đường cao tốc đối với xe loại 4, loại 5 trên hai tuyến Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây.
Theo báo cáo của VEC, năm 2016, theo Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, VEC đã thực hiện mức giảm giá xe loại 4 (giảm khoảng 20%), loại 5 (giảm khoảng 25%) tuyến đường Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và giảm khoảng 10% với tuyến Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây (lộ trình Quốc lộ 51-Dầu Giây).
Tính đến năm 2023, chính sách giảm giá đối với các phương tiện trên đã được VEC thực hiện 7 năm, đóng góp giá trị lớn cho xã hội, tạo điều kiện cho các phương tiện vận tải lưu thông trên tuyến.
Mặt khác, dự án Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình và Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây được VEC đầu tư từ các nguồn vốn vay quốc tế và trong nước có bảo lãnh của Chính phủ, VEC có trách nhiệm trả nợ quốc gia đối với khoản vay để đầu tư đường cao tốc.
Theo kế hoạch trả nợ các dự án từ năm 2023, chi phí trả nợ của VEC sẽ tăng liên tục, do đó việc tiếp tục giữ chính sách nêu trên không phù hợp với phương án tài chính được duyệt tại các quyết định của Bộ Giao thông Vận tải.
Để đảm bảo quy định tại phương án tài chính được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, VEC cần tính toán phương án điều chỉnh mức thu về mức giá trị tính toán ban đầu, đảm bảo tính đúng, tính đủ giá thành để không ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ của Tổng công ty.
Trên cơ sở thẩm quyền quyết định mức thu các tuyến cao tốc do VEC làm chủ đầu tư, Tổng công ty sẽ ban hành theo thẩm quyền mức giá điều chỉnh xe loại 4, loại 5 ở 2 tuyến cao tốc nêu trên dự kiến từ ngày 1/9 tới đây.
Theo đó, ce nhóm 4 là xe tải có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn; xe chở hàng bằng container 20 feet nếu đi hết Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình từ Liêm Tuyền đến Cao Bồ (hoặc ngược lại) có mức phí 108.000 đồng thay vì 88.000 đồng như hiện nay. Xe nhóm 5 là xe tải có tải trọng từ 18 tấn trở lên; xe chở hàng bằng container 40 feet đi hết cao tốc này có mức phí 173.000 đồng thay vì 133.000 đồng như hiện nay.
Với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, xe nhóm 4 đi từ Long Phước đến Dầu Giây (hoặc ngược lại) có mức phí 250.000 đồng thay vì 236.000 đồng như hiện nay; xe nhóm 5 đi hết lộ trình trên có mức phí 400.000 đồng thay vì 373.000 đồng như hiện nay.
Anh Nguyễn (tổng hợp)