Khi giá xe công bố chỉ có tính chất... tham khảo
Theo VNE, mặc dù còn chưa chính thức ra mắt tại Việt Nam nhưng phiên bản mới nhất của Toyota Corolla Cross 2024 đã được các đại lý rao bán. Trước đó, nhiều thông tin cho biết, mẫu xe này sẽ có mặt ở các đại lý vào tháng 5. Tuy nhiên, khách có nhu cầu có thể được nhận xe ngay từ tháng 4 với điều kiện phải chấp nhận mức giá “bia kèm lạc”, mua thêm gói phụ kiện từ 20-40 triệu đồng.
Đáng lưu ý, đây không phải lần đầu tiên Toyota Corolla Cross bị bán vênh giá như vậy. Tại lần đầu tiên ra mắt thị trường Việt vào năm 2020, mẫu xe này cũng bị đại lý bán ép kèm “lạc” lên tới hàng chục triệu đồng.
Toyota Corolla Cross không phải mẫu xe duy nhất của TMV được bán “bia kèm lạc” trong thời gian qua. Gần đây nhất, mẫu SUV hạng sang của hãng là Land Cruiser LC300 cũng bị hét giá "bia kèm lạc" tới gần 1 tỷ đồng mà vẫn thiếu chìa giao khách. Đây là mẫu xe nằm trong top “giữ giá” nhất tại thị trường Việt, lại là xe nhập khẩu, vì vậy, mặc dù có giá cao ngất ngưởng nhưng nhiều giai đoạn vẫn bị khan hàng. Có thời điểm, chỉ tính riêng khoản “lạc” đã lên tới 1,8 tỷ đồng – tương đương 1 chiếc Mercedes-Benz C200.
Trước đó, thời điểm tháng 10/2023, sau khi ra mắt và chờ đợi xe về đại lý, mẫu Innova Cross cũng bị hét giá, khách hàng phải chấp nhận mua thêm phụ kiện tới 40-50 triệu đồng mới có thể nhận xe sớm.
Đây là tình trạng phổ biến với hầu hết các mẫu xe ăn khách của Toyota như Veloz, Land Cruiser, Raize, Fortuner, Vioz… trong suốt nhiều năm qua, khi xe mới ra mắt hoặc vào thời điểm nguồn cung bị hạn chế, cầu tăng cao như lễ Tết...
Điều nghịch lý là sau giai đoạn bán ép giá kể trên, các mẫu xe này cũng đột ngột “quay đầu” giảm giá sâu, chênh hàng chục triệu đồng đến cả trăm triệu đồng so với thời gian trước đó. Đơn cử mẫu Toyota Veloz Cross từng bị “gợi ý” mua thêm 20-40 triệu đồng tiền phụ kiện để được giao xe trước tháng Ngâu (tháng 7 âm lịch) thì sau thời điểm này lại đột ngột được các đại lý áp dụng khuyến mại lên tới 30 - 40 triệu đồng để xả hàng tồn vào đầu năm ngoái. Như vậy, chỉ cách nhau một vài tháng, số tiền mà người mua phải trả cho mẫu xe này đã chênh tới gần 80 triệu đồng, tùy theo từng phiên bản.
Việc bán xe “bia kèm lạc” vốn không phải là hiện tượng xa lạ của thị trường xe Việt trong suốt nhiều năm qua. Tuy nhiên, khi được đề cập trực tiếp, hầu hết các công ty và thương hiệu hoặc là né tránh trả lời trực tiếp, hoặc lại đổ trách nhiệm về phía các đại lý.
Đáng lưu ý, ngay từ tháng 4/2022, Toyota Việt Nam cũng đã ra thông báo cho biết, hãng đã nhận được một số thông tin về việc khách hàng phải mua phụ kiện kèm theo nếu muốn nhận xe sớm. Hãng khẳng định không có chủ trương kể trên. Chính sách của Toyota Việt Nam luôn nhất quán, khách hàng đến trước phục vụ trước. Công ty cũng yêu cầu tất cả các đại lý tuân thủ chính sách kể trên để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tuyên bố cũng công khai đường dây nóng 18001524 của TMV để người dân, khách hàng có thể phản ánh tới công ty.
Việc Toyota Việt Nam khẳng định sẽ “tiếp nhận và có biện pháp xử lý nếu phát hiện bất kỳ vi phạm nào từ đại lý” khiến nhiều người tò mò, sau 2 năm đưa ra tuyên bố, liệu hãng đã thực sự xử lý được vi phạm nào chưa?
Quy định đã có, thực thi thế nào?
Không chỉ nằm trong quyền hạn xử lý của Toyota Việt Nam và các nhà sản xuất, phân phối xe khác, việc bán xe “bia kèm lạc” cũng có thể bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/8/2020 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì mức xử phạt đối với hành vi đầu cơ hàng hóa, găm hàng hóa như sau: Trường hợp hàng hóa có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên thì phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với cá nhân và từ 20 triệu đồng đến 200 triệu đồng đối với tổ chức. Mức phạt tiền tương ứng giá trị hàng hóa vi phạm theo từng khoản quy định tại Điều 31 Nghị định. Nếu giá trị hàng hóa càng cao thì mức phạt tiền càng lớn.
Để tạo ra một thị trường xe minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng, nhiều quốc gia trên thế giới cũng có những quy định cụ thể về việc yêu cầu các nhà sản xuất, phân phối xe phải tuân thủ về giá bán cho người tiêu dùng. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cũng đã xây dựng “quy tắc chống lừa đảo bán lẻ ô tô”, trong đó cấm hành vi làm tăng chi phí mua xe vô tội vạ theo kiểu “bia kèm lạc”, cấm dụ dỗ khách hàng, cấm tính các khoản phí bổ sung không có lợi đối với người mua xe. Các đại lý phải công khai những thông tin quan trọng như giá bán một cách chính xác lên truyền thông hay quảng cáo. Bộ quy định này sẽ chính thức đi vào thực tế từ tháng 7/2024.
Nguyên Đỗ