Trao đổi với PV báo Giao thông, một lãnh đạo Phòng Chất lượng xe cơ giới – VAQ (Cục Đăng kiểm Việt Nam), đơn vị này đang trong quá trình soạn thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe ô tô (QCVN 09:2015/BGTVT). Hiện tại đã có dự thảo và dự kiến trình lên Bộ GTVT vào năm 2023.
Quy chuẩn mới sẽ đưa ra những quy định chung về mức độ an toàn của ô tô chứ không yêu cầu cụ thể từng hệ thống, trang bị an toàn nào buộc phải có trên xe.
Theo đề xuất thì các nhà sản xuất, nhập khẩu ô tô vào thị trường Việt Nam sẽ phải tuân thủ các quy định mới chặt chẽ hơn, “sát” với các quy định về trang bị an toàn cho phương tiện tại Châu Âu và các nước phát triển khác. Như vậy, với những quy định này, các chuyên gia cho rằng, việc các nhà nhập khẩu tiến hành cắt giảm option trên các loại xe nhập sẽ trở nên khó khăn hơn.
Cũng trao đổi với PV báo Giao thông, Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng Tiểu ban Kỹ thuật, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, Hiệp hội đã có đề xuất sửa Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về Chất lượng an toàn kỹ thuật và Bảo vệ môi trường đối với xe ô tô (QCVN 09:2015/BGTVT) để hài hòa với quy định kỹ thuật quốc tế, quy chuẩn kỹ thuật châu Âu cho tất cả các loại xe.
Tình trạng các loại xe nhập khẩu, khi ra mắt thị trường quốc tế, “full đồ” thì khi về Việt Nam, để giảm chi phí, giá thành đã không “tiếc công” cắt bỏ đi nhiều trang bị, bao gồm cả các trang bị an toàn như túi khí, phanh ABS, camera, cảm biến, tự động mở cốp,… Sự “không đầy đủ” này, ít nhiều cũng gây ra những bất bình đối với các khách hàng trong nước, những người sẵn sàng bỏ ra nhiều tiền hơn để được trang bị an toàn hơn trên mỗi chặng đường của mình.
Gần đây nhất, Ford Việt Nam cũng đã có thông báo tới các đại lý về việc lô xe Ford Explorer mới nhất nhập về và sắp được giao đến tay khách hàng trong tháng 12/2022 sẽ không còn tính năng mở cốp rảnh tay, lốp tự vá và cụm điều chỉnh điều hoà hàng ghế sau. Tuy cắt giảm đi nhiều tính năng hữu ích nhưng giá thành của mẫu xe không giảm. Điều này ngay lập tức đã gây ra những phản ứng trái chiều với khách hàng Việt.
Xa hơn một chút, mẫu xe “Anh Quốc” MG5 phiên bản tiêu chuẩn (STD) nhập khẩu từ Thái Lan (ra mắt tại Việt Nam vào tháng 3/2022) đã cắt giảm hàng loạt trang bị như Hệ thống kiểm soát hành trình (Cruise Control), cảnh báo điểm mù (BSD), hỗ trợ chuyển làn (LCA), cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau (RCAT), cảnh báo va chạm phía sau (RCW); không có cửa sổ trời, đèn LED chiếu sáng ban ngày và chỉ có 2 túi khí phía trước thay vì 6 túi khí như bản MG5 1.5L Lux…
Với thông tin về đề xuất mới từ phía Cục Đăng kiểm Việt Nam, nhiều người hi vọng, sự giám sát, quản lý từ phía cơ quan chức năng sẽ giúp ngăn chặn tình trạng tùy ý cắt giảm tính năng trên xe để những chiếc xe trở nên “rẻ hơn và thiếu an toàn hơn”.
Thành Đô (tổng hợp)