Ural là hãng xe mô tô lớn nhất trong số ít ỏi một vài hãng còn duy trì sản xuất dòng xe mô tô 3 bánh. Xuất hiện từ năm 1941 để phục vụ cho Hồng quân Liên Xô trong Thế chiến II, những chiếc Sidecar 3 bánh Ural hiện vẫn liên tục được hãng xe này sản xuất cho tới ngày nay.
Cái tên Ural bắt nguồn từ tên một dãy núi hiểm trở có chiều dài hơn 2.400 km, kéo dài từ vùng địa cực của Nga cho đến miền bắc Kazakhstan. Cái tên này cũng đã được đặt cho hãng sản xuất xe máy và sidecar của Nga trong suốt hàng thập kỷ nay. Những chiếc xe được thiết kế và sản xuất bởi IMZ-Ural và sử dụng động cơ của BMW.
|
Những chiếc mô tô 3 bánh Sidecar Ural có vận tốc cực đại 112 km/h và có tuổi đời từ lên tới hàng chục năm kể từ Thế chiến thứ 2. Thiết kế nguyên bản của những chiếc xe này trong thời chiến có thể chở được 2 người cùng với các trang bị vũ khí bên trên (đặc biệt là ở thùng xe).
Vào những năm 1980, từng có hàng vạn chiếc xe 3 bánh Sidecar (trước đây gọi là xe xít-đờ-ca) được nhập khẩu vào thị trường Việt Nam dưới dạng hàng viện trợ của Nhà nước Liên Xô (cũ) và chúng được trang bị cho lực lượng công an trên khắp cả nước dùng làm phương tiện tuần tra.
Sidecar tại Việt Nam chủ yếu có hai nhãn hiệu là: Ural do Nga sản xuất và Dnepr của Ukraina. Một số ít khác là Jawa của Tiệp Khắc, IZH của Nga, số hiếm và rất đắt tiền là của BMW.
Sidecar Ural là một trong những sự lựa chọn tuyệt vời cho những người yêu thích những chuyến phiêu lưu, dã ngoại. Ban đầu thú chơi Sidecar chủ yếu ở những người lớn tuổi, từng phục vụ trong quân ngũ quá nặng tình với chiếc xe. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, thú chơi đã lan rộng tới những thành phần là người trung tuổi và thanh niên trẻ.
|
Hiện những chiếc Sidecar Ural đều là xe cũ và không còn trong tình trạng tốt. Do đó, tất cả những chiếc xe 3 bánh bây giờ đều được các chủ nhân trùng tu, bảo dưỡng lại.
Thú chơi của dòng xe Sidecar không phải là đua tốc độ mà nằm ở sức mạnh và khả năng chinh phục địa hình đòi hỏi sự tỉnh táo và khéo léo của người cầm lái. Việc điều khiển một chiếc Sidecar khó nhất là quẹo phải vào cua, bởi vì lúc này trọng lực sẽ dồn về một bên khiến xe dễ bị nghiêng và lật nhào.
Khi vào cua, lực ly tâm sẽ dồn sang bên trái nên rất dễ lật xe, theo đó người điều khiển xe Sidecar khi vào cua phải nghiêng người sang bên phải một chút để bù cho trọng lực bị mất khi dồn sang trái, như vậy sẽ đảm bảo an toàn hơn cho bạn khi vào cua. Theo đó, khi đi đường xa hay trên những địa hình gồ ghề, đường núi, phải có người ngồi bên “thuyền” xe hoặc chở theo nhiều đồ đạc để cân bằng xe.
Ngoài ra, một điểm yếu khác của xe Sidecar được khá nhiều người chơi cho biết nằm ở hệ thống điện và khi nóng máy rất dễ xảy ra tình trạng cháy bugi. Theo đó, loại xe này chỉ chạy đoạn đường ngắn ở địa hình rừng núi. Đến tận sau này, những người chơi đã cách tân và chế tạo sang hệ thống điện bán dẫn giúp cho chiếc xe có thể chạy được những cung đường dài từ Bắc vào Nam.
|
Người chơi Sidecar đã ít, kiếm được người sửa chữa lại càng khó. “Không phải có tiền là có thể mua được Sidecar. Để tậu được một chiếc Ural không phải dễ, tôi phải bỏ tiền túi ra hơn 200 triệu đồng mới “rinh được em nó” về nhà, một dân chơi xe cổ tại Hà Nội chia sẻ.
Anh này cũng chia sẻ thêm rằng, giữa hai miền Bắc – Nam, số người chơi Sidecar rất khác nhau. Người chơi tại Hà Nội thì thích chơi xe đẹp trong khi tại Sài Gòn lại thích chọn những chiếc tốt, kinh tế và thực dụng.
Dễ dàng nhận thấy, thú chơi xe cổ trong nước những năm gần đây khá thịnh hành và phát triển nhanh chóng khi liên tiếp các câu lạc bộ (CLB) được thành lập. Đây dường như đã dần trở thành một mái nhà sinh hoạt chung cho những người yêu thích và đam mê dòng xe cổ 3 bánh này xích lại gần nhau hơn.
Một số hình ảnh về xế cổ “xít-đờ-car” Sidecar 3 bánh Ural:
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Bài, ảnh: Lê Ngà