Cần hơn 19.000 tỷ đồng khởi động siêu cảng Trần Đề
UBND tỉnh Sóc Trăng mới đây đã gửi văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ xem xét cấp ngân sách hỗ trợ cho dự án cảng Trần Đề, với khoản đầu tư cho giai đoạn khởi động là hơn 19.000 tỷ đồng.
Theo tính toán sơ bộ của tỉnh Sóc Trăng, tổng mức đầu tư dự kiến của cảng biển Trần Đề là khoảng 162.731 tỷ đồng, trong đó giai đoạn khởi động ước tính cần 44.695 tỷ đồng.
Riêng giai đoạn đầu, nguồn vốn từ ngân sách nhà nước chiếm khoảng 19.400 tỷ đồng (tương đương 43%), trong khi nguồn vốn xã hội hóa từ các doanh nghiệp đóng góp gần 25.300 tỷ đồng (chiếm khoảng 57%).
Ngân sách đầu tư công sẽ được sử dụng cho việc xây dựng hạ tầng kết nối như đường nối từ đất liền đến bến cảng ngoài khơi Trần Đề, cầu vượt biển, kè chắn sóng, luồng tàu và vũng quay tàu. Phần vốn từ doanh nghiệp sẽ dành cho các hạng mục san lấp mặt bằng, phát triển khu dịch vụ hậu cần logistics và cơ sở hạ tầng cảng.
Giai đoạn hoàn thiện của cảng Trần Đề dự kiến sẽ đạt tổng mức đầu tư 162.731 tỷ đồng, trong đó 46.476 tỷ đồng (29%) là vốn đầu tư công và khoảng 116.255 tỷ đồng (71%) từ doanh nghiệp, với các hạng mục đầu tư tương tự như ở giai đoạn khởi động.
UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đề xuất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng phê duyệt hỗ trợ ngân sách Trung ương cho dự án trong giai đoạn 2025 - 2030, với tổng số vốn 19.403 tỷ đồng (giai đoạn 1 để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cơ bản). Đồng thời, tỉnh mong muốn Chính phủ đưa dự án vào kế hoạch hoàn thành hồ sơ đầu tư trong năm 2025 và khởi công vào năm 2026.
Cảng Trần Đề được quy hoạch thế nào?
Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 25/8/2023 định hướng tỉnh này trở thành cửa ngõ chính ra biển Đông của vùng ĐBSCL - vùng đồng bằng lớn nhất Việt Nam, là trung tâm đầu mối của vùng về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, logistics với trọng tâm là cảng biển ngoài khơi cửa Trần Đề. Phấn đấu đến năm 2030 sẽ hình thành cảng biển ngoài khơi Trần Đề.
UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết dự án bến cảng ngoài khơi Trần Đề có quy mô lớn với cầu cảng dài 5.300 mét, hệ thống đê chắn sóng dài 9.800 mét, cầu vượt biển dài 17,8 km...
Như vậy, với việc xây dựng cầu vượt biển dài 17,8km, dự án bến cảng ngoài khơi Trần Đề sẽ sở hữu cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, dài hàng đầu Đông Nam Á, "soán ngôi" của cầu vượt biển Tân Vũ - Lạch Huyện (Hải Phòng) dài 5,4km.
Khu vực hậu cần cảng và logistics, có tổng diện tích khoảng 4.000ha, sẽ được xây dựng cơ sở hạ tầng như đường giao thông nội bộ, hệ thống cấp thoát nước, điện động lực, hệ thống phòng cháy chữa cháy, hệ thống thông tin liên lạc hiện đại để thu hút các nhà đầu tư thuê mặt bằng.
Cảng Trần Đề khi hoàn thành xây dựng, nâng cấp sẽ trở thành cảng đặc biệt, sẽ có khả năng đón nhận các loại tàu lớn như tàu tổng hợp và tàu container tải trọng lên đến 100.000DWT (tương đương 6.000-8.000 Teus), tàu hàng rời 160.000DWT.
Theo phương án sử dụng đất của dự án cảng biển Trần Đề, sẽ có gần 2.500ha đất làm lấn biển, hơn 460ha đất rừng phòng hộ, và hơn 440ha đất là sông ngòi, kênh rạch...
Yêu cầu cấp thiết đầu tư siêu cảng Trần Đề
Cảng Trần Đề nằm ở vị trí thuận lợi để kết nối với sân bay Cần Thơ, Quốc lộ 1 và đường Nam Sông Hậu, cùng lợi thế tự nhiên phù hợp để xây dựng cảng nước sâu phục vụ tàu có trọng tải từ 50.000 tấn trở lên.
Do đó, việc đầu tư phát triển bến cảng Trần Đề cho phép tàu vận tải lớn có thể thực hiện việc xuất nhập khẩu hàng hóa một cách trực tiếp cho toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là điều hết sức cần thiết.
Hiện nay, hầu hết hàng hóa của Đồng bằng sông Cửu Long đều cần được chuyển tải lên TP.HCM, dẫn đến chi phí logistics cao, lên tới 700 USD cho mỗi chuyến container và gặp nhiều rủi ro như kẹt xe hay sự cố giao thông có thể làm chậm trễ quá trình vận chuyển, ảnh hưởng đến việc giao hàng.
Hơn nữa, việc hàng hóa di chuyển từ Đồng bằng sông Cửu Long về TP.HCM chưa tận dụng được hết lợi thế của hệ thống đường thủy nội địa trong vùng. Để giải quyết vấn đề này và giảm thiểu chi phí logistics, cần thiết phải xây dựng một cảng nước sâu tại Trần Đề, giúp tăng cường xuất khẩu hàng hóa nông sản, thủy sản và các sản phẩm công nghiệp của vùng ra thế giới.
Bên cạnh đó, dự án cảng sẽ tạo ra nhiều việc làm mới, không chỉ trong lĩnh vực cảng và logistics mà còn trong các ngành liên quan như dịch vụ, thương mại và công nghiệp phụ trợ. Điều này góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân địa phương.
Xây dựng cảng Trần Đề tầm cỡ quốc tế sẽ thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng giao thông như đường bộ, đường sắt và hệ thống vận tải đa phương thức. Điều này sẽ cải thiện kết nối giữa ĐBSCL và các khu vực khác của Việt Nam.
Với việc ứng dụng công nghệ cao và các giải pháp quản lý hiện đại, cảng Trần Đề trong tương lai sẽ góp phần vào quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa khu vực ĐBSCL, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp địa phương trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt, Trần Đề có vị trí gần các tuyến đường biển chính của khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á, nằm trong khu vực phát triển kinh tế và có tiềm năng lớn từ ngành nông nghiệp, thủy sản và công nghiệp. Cảng này sẽ trở thành cửa ngõ quan trọng liên kết khu vực cực nam của đất nước với các tuyến đường hàng hải quốc tế, mang lại cơ hội mở rộng và phát triển mạnh mẽ cho vùng ĐBSCL.
Thái Hà