Mới đây, một vụ việc tinh tinh sát hại con người kinh hoàng đã xảy ra tại Guinea. Mẹ của bé gái, cô Seny Zogba, đang làm việc trên nương sắn tại Bossou thì bất ngờ bị một con tinh tinh tấn công. Con vật hung hãn cướp đứa con gái 8 tháng tuổi, bé Yoh Hélène, từ tay cô Zogba và biến mất vào rừng.
Thi thể đầy thương tích của bé Hélène được tìm thấy cách khu bảo tồn thiên nhiên dãy núi Nimba khoảng 3km. Các nhân chứng cho biết thi thể bé bị tàn phá nặng nề, nhiều bộ phận cơ thể không còn nguyên vẹn. Giới chuyên gia nhận định con tinh tinh có thể đã sử dụng công cụ để gây án.
Vụ tấn công khiến người dân địa phương vô cùng phẫn nộ. Họ đổ lỗi cho các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu Môi trường Bossou, những người đã nghiên cứu cộng đồng động vật đặc biệt này trong nhiều thập kỷ qua, đã khiến lũ tinh tinh không còn sợ con người.
Đám đông giận dữ đã trút cơn thịnh nộ lên viện nghiên cứu, phá hủy và đốt cháy nhiều thiết bị, bao gồm máy bay không người lái, máy tính và hơn 200 tài liệu. Anh Joseph Doré, một thành viên trẻ tuổi của nhóm nghiên cứu, chia sẻ: "Chính cách thức bé gái bị sát hại đã khiến người dân phẫn nộ."
Theo nhà nghiên cứu Gen Yamakoshi, nguyên nhân dẫn đến vụ việc thương tâm là do lũ tinh tinh "không còn sợ con người". Ông Yamakoshi cho biết thêm, hành vi này tương tự như cách tinh tinh đối xử với đồng loại. "Khi bị kích động, chúng không thể kiểm soát được hành vi của mình", ông nói.
Nhà sinh thái học Alidjiou Sylla cho rằng nguồn thức ăn ngày càng khan hiếm trong khu bảo tồn đã khiến động vật thường xuyên rời khỏi khu vực được bảo vệ để tìm kiếm thức ăn, làm gia tăng khả năng xảy ra xung đột với con người. Trung tâm nghiên cứu cho biết đã ghi nhận 6 vụ tấn công con người bởi tinh tinh kể từ đầu năm. Anh Moussa Koya, một lãnh đạo thanh niên địa phương, nhận định: "Đó không phải là bản chất của chúng nhưng nó đã trở thành thói quen của loài tinh tinh."
Khu rừng Bossou thuộc dãy núi Nimba, Guinea, nơi xảy ra vụ việc thương tâm, là nhà của cộng đồng tinh tinh nổi tiếng với khả năng sử dụng công cụ. Chúng dùng đá làm búa và đe để đập vỡ các loại hạt. Đây là hành vi tinh vi nhất từng được quan sát thấy ở loài linh trưởng "gần gũi" với con người về mặt di truyền. Cộng đồng tinh tinh nhỏ bé này sống trong tự nhiên và chia sẻ lãnh thổ với người dân địa phương. Người dân nơi đây tôn trọng và bảo vệ chúng vì tin rằng chúng là tổ tiên tái sinh.
Tuy nhiên, sau vụ việc thương tâm, cụ Michael Gamada Koïba, một người cao tuổi ở Bossou, cho biết người dân địa phương không còn biết "chúng là loại tinh tinh gì nữa". Tinh tinh được tôn kính ở Guinea và theo truyền thống, chúng được người dân tặng quà là thức ăn. Điều này đã khiến một số con tinh tinh mạo hiểm ra khỏi khu vực được bảo vệ và tiến vào khu dân cư, nơi đôi khi chúng có thể tấn công con người.
Trước năm 2003, số lượng tinh tinh ở Bossou tương đối ổn định với khoảng 21 cá thể. Tuy nhiên, trận dịch cúm năm đó đã cướp đi sinh mạng của 7 cá thể. Ngoài ra, hoạt động của con người trong khu vực cũng ảnh hưởng đến số lượng loài linh trưởng này. Người dân địa phương có truyền thống canh tác theo phương thức du canh du cư. Mặc dù họ đã bảo tồn được 320 ha rừng xung quanh Bossou, nhưng nạn phá rừng xung quanh đã cô lập khu vực này với phần còn lại của Khu bảo tồn Thiên nhiên Núi Nimba, nơi có cộng đồng tinh tinh đông đúc hơn.
Khu bảo tồn Núi Nimba, được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới, nằm trải dài trên biên giới Guinea với Liberia và Bờ Biển Ngà. Dãy núi Nimba cũng là nơi có một trong những mỏ quặng sắt lớn nhất Guinea. Điều này đã làm dấy lên lo ngại trong giới bảo tồn về tác động của hoạt động khai thác mỏ đối với loài tinh tinh.
Chi Chi
Nguồn: Daily Mail