3 tháng đầu năm tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí
Theo ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, trong 3 tháng đầu năm, toàn quốc xảy ra 2.346 vụ tai nạn giao thông, làm chết 1.436 người, bị thương 1.578 người.
Có 42 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do tai nạn giao thông (TNGT) giảm so với cùng kỳ năm 2022, trong đó 14 địa phương giảm trên 40% số người chết là: Đà Nẵng, Đắk Nông, Long An, Cà Mau, Thừa Thiên Huế, Cần Thơ, Thái Nguyên, Quảng Ngãi, Phú Thọ, Tiền Giang, Điện Biên, Lào Cai, Bắc Giang, Lai Châu. Đặc biệt, Đà Nẵng, Đắk Nông, Long An và Cà Mau giảm trên 60% số người chết do TNGT. Bên cạnh đó TNGT tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh cũng được kéo giảm sâu so với cùng kỳ cả về tỉ lệ phần trăm và số lượng tuyệt đối.
Tuy nhiên còn 16 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2022, trong đó 11 tỉnh tăng trên 20% là: Thái Bình, Hà Tĩnh, An Giang, Hà Giang, Tây Ninh, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Quảng Nam, Kon Tum, Lạng Sơn và Sơn La.
Báo cáo đánh giá, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tai nạn giao thông tiếp tục được kiềm chế và kéo giảm so với cùng kỳ năm 2022, cụ thể: Giảm 428 vụ (-15,43%), giảm 258 người chết (-15,23%) và giảm 148 người bị thương (-8,57%).
Trong 7 ngày Tết Nguyên đán Quý Mão (từ ngày 20 - 26/1/2023), số vụ và số người chết do TNGT đều giảm so với cùng kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 (số vụ giảm 7,3% và số người chết giảm 3,3%).
Đặc biệt, số vụ TNGT do người điều khiển phương tiện vi phạm quy định nồng độ cồn trong dịp Tết giảm sâu so với các năm trước. Tình hình vi phạm về chở quá tải trọng xe tại các địa phương đã được xử lý căn bản.
Tăng ứng dụng công nghệ thông tin trong dịch vụ đăng kiểm
Liên quan đến hoạt động đăng kiểm trên địa bàn TP.HCM, ông Đỗ Ngọc Hải, Trưởng phòng quản lý vận tải đường bộ, Sở Giao thông vận tải cho biết, đến nay, trên địa bàn thành phố còn 13/19 trung tâm đăng kiểm đang hoạt động. Trong đó, 27/53 dây chuyền kiểm định đang hoạt động; 103/197 đăng kiểm viên đang làm việc; công suất kiểm định tối đa hiện đạt 1.630 lượt xe/ngày.
Theo đại diện Sở Giao thông vận tải, trong tháng qua, hoạt động đăng kiểm tại thành phố đã nhận được sự hỗ trợ của Cục Đăng kiểm Việt Nam và lực lượng cảnh sát giao thông, quân đội nhưng tình trạng ùn tắc, xếp hàng kéo dài tại các trung tâm đăng kiểm vẫn tiếp diễn đến những ngày đầu tháng 4/2023.
Tính từ ngày 15/2 - 14/3, tổng số lượt phương tiện tham gia kiểm định tại các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới hoạt động trên địa bàn thành phố là 28.450 lượt.
Về giải pháp dài hạn cho ngành đăng kiểm, ông Đỗ Ngọc Hải thông tin, nhằm củng cố, kiện toàn và đổi mới hoạt động của lĩnh vực đăng kiểm, Bộ Giao thông vận tải đang chỉ đạo các cơ quan đơn vị khẩn trương hoàn thiện phương án sửa đổi Nghị định số 139/2018/NĐ-CP ngày 8/10/2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (theo trình tự, thủ tục rút gọn).
Trong đó, ngoài việc tách bạch công tác quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công của lĩnh vực đăng kiểm, các đơn vị cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý trong lĩnh vực đăng kiểm gắn với đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương; xem xét thêm giải pháp ưu tiên cho phép các trung tâm đăng kiểm của lực lượng công an, quân đội và các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng chính hãng của các nhà sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô đáp ứng quy định được phép hoạt động kiểm định xe ô tô.
Ngoài ra, các đơn vị cần nâng cao ứng dụng công nghệ thông tin trong cung cấp dịch vụ đăng kiểm... với mục tiêu hướng tới là nâng cao chất lượng dịch vụ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, tiết kiệm chi phí của xã hội; đảm bảo công khai, minh bạch, chất lượng và cạnh tranh lành mạnh của các đơn vị cung cấp dịch vụ đăng kiểm.
kiến nghị tạm dừng thu phí BOT Nam Bình Định
Khu Quản lý đường bộ III vừa có kiến nghị gửi Cục Đường bộ Việt Nam về việc tạm dừng thu phí tại Trạm thu phí BOT Nam Bình Định.
Việc tạm dừng thu phí tại BOT Nam Bình Định thời gian bao lâu tùy thuộc vào thời gian doanh nghiệp dự án khắc phục hoàn thành các hư hỏng, tồn tại của đoạn tuyến.
BOT Nam Bình Định (thị xã An Nhơn) thuộc dự án mở rộng quốc 1, đoạn qua tỉnh Bình Định và tỉnh Phú Yên dài hơn 40 km, theo hình thức BOT (xây dựng - khai thác - chuyển giao).
Dự án có tổng mức đầu tư trên 2.000 tỷ đồng. Công trình thu phí từ năm 2016, thời gian thu trong hơn 25 năm (305 tháng).
Theo Khu Quản lý đường bộ III, quốc lộ 1 đoạn tuyến qua tỉnh Bình Định và Phú Yên có mặt đường lão hóa, bong bật, rạn nứt lớn, dồn u nguy cơ bong bật ổ gà. Mặt đường nhiều vị trí bị hư hỏng dạng ổ gà, sinh lún, bong tróc đã sửa chữa nhưng đang bị bong bật trở lại. Nhiều chỗ đã vá còn gồ ghề không êm thuận, không đảm bảo mỹ thuật, kỹ thuật theo yêu cầu vẫn chưa được xử lý.
Khu Quản lý đường bộ III đã có nhiều văn bản đôn đốc, nhắc nhở, tuy nhiên doanh nghiệp dự án chỉ sơn dặm tim đường cục bộ một số đoạn; đến nay vẫn còn rất nhiều đoạn vạch sơn tim đường bị mờ… Các tồn tại nêu trên đang có nguy cơ tiềm ẩn mất ATGT cao.
Bên cạnh đó, thời tiết hiện nay đang thuận lợi, nắng ráo nhưng doanh nghiệp dự án không sửa chữa, khắc phục các tồn tại nêu trên, có nguy cơ phát sinh lan rộng, gây bức xúc dư luận, xã hội.
Dự án BOT Nam Bình Định do liên danh Công ty CP đầu tư năng lượng - xây dựng - thương mại Hoàng Sơn và Công ty CP đầu tư Kiến Hoàng (nhà đầu tư), Công ty TNHH đầu tư BOT Bình Định (doanh nghiệp dự án) đang khai thác
Thành Đô (tổng hợp)