Trong cuộc tập trận quân sự "Răn đe 2024", Lực lượng vũ trang Ai Cập đã tiết lộ việc sở hữu tên lửa không đối đất Kh-31 do Nga sản xuất. Tiết lộ này đánh dấu một cột mốc quan trọng trong nỗ lực hiện đại hoá quân đội của Ai Cập, đặc biệt là tăng cường năng lực phòng không.
Là một phần trong chiến lược quốc phòng rộng lớn hơn, Ai Cập đã ký một thỏa thuận vũ khí với Nga vào năm 2021, nhằm bổ sung không chỉ tên lửa Kh-31 mà còn bao gồm nhiều loại vũ khí tiên tiến khác. Việc mua tên lửa là một yếu tố quan trọng trong việc củng cố sức mạnh của Không quân Ai Cập, nhằm duy trì sự thống trị trong khu vực và tăng cường khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội.
Tên lửa Kh-31
Kh-31 là tên lửa đa năng, tốc độ cao được thiết kế chủ yếu cho mục đích không đối đất và chống hạm. Với tốc độ lên tới Mach 3.5, tên lửa này rất khó bị đánh chặn, khiến nó trở thành một tài sản có giá trị đối với lực lượng Không quân Ai Cập. Kh-31 đã được tích hợp vào phi đội máy bay chiến đấu MiG-29 của nước này.
Tên lửa được thiết kế để phá hủy nhiều mục tiêu quan trọng, bao gồm radar, hệ thống phòng không và tàu chiến. Tên lửa có cả hệ thống dẫn đường radar chủ động và hệ thống dẫn đường hồng ngoại, cho phép nó tấn công mục tiêu với độ chính xác cao, ngay cả trong điều kiện khó khăn.
Tầm bắn của tên lửa lên đến 100 km, cùng với khả năng phóng từ nhiều nền tảng máy bay chiến đấu khác nhau như MiG-29, Su-27 và Su-30, vì vậy mà Kh-31 được đánh giá là vũ khí có khả năng thích ứng cao và nguy hiểm của Ai Cập.
Kh-31 có hai biến thể chính: Kh-31A được thiết kế cho các nhiệm vụ chống bức xạ và Kh-31P dành cho các hoạt động chống tàu. Kh-31A sử dụng hệ thống dẫn đường radar chủ động, được thiết kế riêng để nhắm vào các radar và hệ thống tác chiến điện tử của đối phương. Phiên bản này cực kỳ hiệu quả trong việc phá vỡ mạng lưới phòng không của đối phương, ngay cả trong môi trường có các biện pháp đối phó điện tử mạnh mẽ.
Trong khi đó, Kh-31P có hệ thống dẫn đường hồng ngoại được thiết kế riêng để nhắm vào tàu biển. Tên lửa có khả năng khóa mục tiêu khi phát hiện các dấu hiệu nhiệt của tàu khi di chuyển với độ chính xác và hiệu quả cao ngay cả trong điều kiện thời tiết bất lợi.
Cả hai biến thể đều có thông số kỹ thuật tương tự, bao gồm tốc độ tối đa Mach 3,5 và tầm bắn khoảng 100 km. Tốc độ cao và sự nhanh nhẹn của tên lửa khiến các hệ thống phòng không khó có thể đánh chặn, mang lại cho nó lợi thế đáng kể trong các tình huống chiến đấu.
Ý nghĩa của Kh-31 đối với Ai Cập
Việc mua tên lửa Kh-31 nhấn mạnh sự hợp tác quốc phòng ngày càng tăng giữa Ai Cập và Nga. Trong những năm qua, Ai Cập đã tăng cường quan hệ quân sự với Nga, dựa vào nguồn cung cấp vũ khí của Nga, bao gồm máy bay chiến đấu, trực thăng và hệ thống tên lửa tiên tiến. Mối quan hệ này là một phần trong chiến lược rộng lớn hơn của Ai Cập nhằm đa dạng hóa quan hệ đối tác quân sự, đảm bảo tiếp cận các công nghệ tiên tiến từ các đối tác quốc phòng toàn cầu quan trọng.
Nga chuyển giao tên lửa Kh-31 trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị tiếp tục gia tăng ở Trung Đông làm nổi bật tầm quan trọng của tên lửa này, việc sở hữu những hệ thống tiên tiến như vậy sẽ góp phần tăng cường đáng kể khả năng phòng thủ của đất nước.
Việc mua lại các loại vũ khí tiên tiến như vậy có ý nghĩa địa chính trị sâu rộng. Đối với Ai Cập, đây không chỉ là một tài sản quân sự mà còn là biểu tượng cho quyết tâm của quốc gia này trong việc khẳng định ảnh hưởng trong khu vực và bảo vệ các lợi ích chiến lược của mình.
Là một nhân tố chủ chốt ở Trung Đông, khả năng duy trì quân đội hiện đại, được trang bị tốt của Ai Cập giúp đảm bảo vị thế của nước này trong khu vực, đặc biệt là trong bối cảnh các cuộc xung đột và tranh giành quyền lực đang diễn ra giữa các nước láng giềng.
Vai trò của Kh-31 trong chiến lược phòng thủ của Ai Cập rất rõ ràng: nó tăng cường khả năng răn đe của đất nước và đảm bảo rằng họ vẫn là một lực lượng đáng gờm trong bất kỳ cuộc xung đột tiềm tàng nào.
Sự kết hợp giữa tốc độ cao, khả năng nhắm mục tiêu chính xác và tính linh hoạt trong hoạt động của tên lửa khiến nó trở thành một trong những vũ khí hiệu quả nhất trong kho vũ khí của Không quân Ai Cập.
Việc tích hợp tên lửa vào Không quân Ai Cập không chỉ nâng cao hiệu quả hoạt động mà còn củng cố ảnh hưởng khu vực của Ai Cập trong bối cảnh địa chính trị ngày càng phức tạp.
Quang Hưng