* Câu chuyện của anh Lý Quang Khải (Trung Quốc) dưới đây giúp nhiều người nhận ra được tầm quan trọng của việc tạo môi trường sống hòa thuận trong gia đình:
Cuối năm, công việc ở công ty dồn dập, tôi và vợ đều bận rộn, chẳng thể dành nhiều thời gian để chăm sóc con cái. Vì vậy, hai vợ chồng quyết định nhờ mẹ vợ - tức bà ngoại của đám nhỏ - lên nhà giúp đỡ, chăm lo cho con cho cháu.
Trước lời đề nghị của 2 vợ chồng, bà không nề hà gì, vội thu xếp công việc ở quê để lên phụ vợ chồng tôi. Với tôi, đó là điều mà cả hai vợ chồng đều rất biết ơn. Thế nhưng, tôi không ngờ rằng sự khác biệt trong cách sống giữa hai thế hệ lại đẩy tôi vào tình huống khó xử.
Một hôm, tôi về nhà muộn vì tăng ca đến tận 8 giờ tối. Vừa bước chân vào nhà, tôi thấy mọi thứ vẫn yên ắng. Vợ tôi đang ở bếp chuẩn bị bữa ăn khuya cho tôi, còn mẹ vợ tôi thì không thấy đâu. Tôi cởi giày, nhẹ nhàng bước lên phòng con vì muốn âu yếm con sau một ngày dài không gặp. Nhưng khi vừa mở cửa phòng, tôi sững người. Mẹ vợ đang cầm bát cơm trên tay, vừa ăn vừa ngồi cạnh cháu để chỉ bài.
Tôi vốn là người khá kỹ tính, đặc biệt trong chuyện vệ sinh, nhất là với phòng của con. Nhìn thấy cảnh ấy, trong lòng tôi bỗng thấy khó chịu. Tôi nghĩ ngay đến việc những hạt cơm có thể rơi xuống sàn, rồi mùi thức ăn ám vào phòng – nơi mà tôi luôn cố gắng giữ sạch sẽ nhất. Nhưng tôi không nói gì ngay lúc đó, chỉ lặng lẽ rời đi.
Tôi liền xuống bếp để đề cập chuyện này với vợ. Tôi cằn nhằn với vợ rằng đáng ra bà có thể ăn cơm dưới bếp rồi hãy lên chăm cháu, vì vừa ăn vừa dạy học như vậy không hợp vệ sinh. Vợ tôi lắng nghe, nhưng cũng nhắc nhẹ rằng: "Mẹ đã lớn tuổi, lại không quen kiểu sinh hoạt thành phố. Có lẽ mẹ chỉ tranh thủ ăn để tiết kiệm thời gian chăm sóc cháu, anh thông cảm một chút".
Câu nói của vợ làm tôi suy nghĩ rất nhiều. Tôi nhận ra mình đã quá chú trọng vào những tiểu tiết mà quên đi cái tâm của mẹ vợ tôi. Bà chỉ đang cố gắng làm tốt nhất những gì có thể để hỗ trợ chúng tôi trong thời điểm bận rộn này. Đối với bà, việc ăn cơm trong lúc trông cháu học không phải là sự cẩu thả mà là cách để bà tiết kiệm thời gian, vừa ăn vừa không lơ là cháu.
Tối hôm đó, tôi chủ động nói chuyện với bà. Tôi bày tỏ rằng mình không phản đối việc bà chăm sóc cháu, nhưng mong bà có thể ăn cơm ở bếp để giữ vệ sinh cho phòng của con. Bà cười hiền: "Mẹ chỉ muốn trông chừng thằng bé kỹ một chút. Nó đang ôn bài kiểm tra, mẹ sợ nó quên mất chữ nên ngồi cạnh nhắc nhở. Nhưng thôi, mẹ sẽ chú ý hơn, không làm phiền lòng con".
Câu trả lời của bà khiến tôi không khỏi áy náy. Tôi nhận ra rằng, bà đang làm tất cả vì yêu thương con cháu, nhưng cách thể hiện tình yêu của thế hệ bà đôi khi khác với quan điểm của tôi. Đó không phải là sự sai lầm mà chỉ là khác biệt trong cách nghĩ, cách làm.
Từ câu chuyện đó, tôi rút ra bài học về cách sống hòa thuận trong gia đình. Để tạo nên một môi trường lành mạnh cho con cái, mỗi thành viên cần biết lắng nghe và thấu hiểu nhau. Mỗi người đều có cách thể hiện tình yêu riêng, và điều quan trọng là chúng ta phải tìm ra điểm chung để dung hòa sự khác biệt.
Gia đình không phải là nơi hoàn hảo, mà là nơi mọi người chấp nhận những thiếu sót của nhau và cùng nhau tốt lên. Tôi hiểu rằng mình cần mềm mỏng hơn, học cách đặt mình vào vị trí của bà để cảm nhận sự hy sinh thầm lặng ấy. Và tôi cũng hiểu rằng, con cái sẽ phát triển tốt nhất trong một môi trường mà ông bà, cha mẹ đều tôn trọng, yêu thương nhau.
Giờ đây, mỗi khi nhìn thấy bà chăm cháu, tôi không còn để ý đến những điều nhỏ nhặt nữa. Thay vào đó, tôi thấy biết ơn vì có một người mẹ luôn sẵn lòng dang tay giúp đỡ khi chúng tôi cần. Đối với tôi, sự hiện diện của bà ngoại không chỉ là sự hỗ trợ, mà còn là bài học quý giá về tình yêu thương và sự hy sinh.
Đông