167 Cảnh sát giao thông được cử hỗ trợ các Trung tâm đăng kiểm
Ngày 11/3, Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) tổ chức tập huấn công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cho 167 cán bộ, chiến sĩ để làm nhiệm vụ hỗ trợ các trung tâm đăng kiểm đáp ứng nguồn nhân lực đang thiếu trầm trọng hiện nay.
Hoạt động này nằm trong kế hoạch thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Công an về tăng cường lực lượng Cảnh sát giao thông hỗ trợ công tác đăng kiểm theo đề nghị của Bộ Giao thông vận tải.
Ngay trong ngày, 50 cán bộ, chiến sĩ kiểm định xe cơ giới của Cục Cảnh sát giao thông đã được bàn giao cho Cục Đăng kiểm Việt Nam.
Trong số này, có 30 cán bộ, chiến sĩ được điều động đến các trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội để làm nhiệm vụ ngay.
Trong đó, các Trung tâm Đăng kiểm 29-01S, 29-02V, 29-03S mỗi Trung tâm được bổ sung 4 cán bộ, Trung tâm Đăng kiểm 29-01V bổ sung 3 cán bộ, 6 trung tâm khác được tăng cường từ 2 - 4 cán bộ.
Số còn lại lên đường làm nhiệm vụ tại Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi trung tâm được bổ sung từ 2 - 3 cán bộ. Trung tâm đăng kiểm tại các địa phương khác sẽ được Bộ Công an tăng cường vào các đợt sau.
Cùng ngày, tại Hà Nội có thêm 1 trung tâm đăng kiểm 2905V (số 49 phố Đức Giang, phường Đức Giang, quận Long Biên, Hà Nội) mở cửa trở lại sau thời gian bị tạm dừng hoạt động phục vụ công tác điều tra.
Hiện đơn vị này có 4 đăng kiểm viên vận hành 1 dây chuyền kiểm định. Từ chiều nay (11/3) sẽ có thêm 2 cán bộ, chiến sỹ CSGT tham gia hỗ trợ công tác kiểm định xe, nâng tổng số đăng kiểm viên lên 6 người. Nhờ đó sẽ gia tăng năng suất kiểm định trong 1 dây chuyền tại đơn vị này, dự kiến kiểm định được khoảng 100 xe/ngày.
Trong diễn biến liên quan, được biết Cục Xe – Máy (Tổng cục Kỹ thuật, Bộ Quốc phòng) cũng đang làm việc với Cục Đăng kiểm Việt Nam để tăng cường lực lượng đăng kiểm viên giải quyết tình trạng quá tải ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh.
Metro Nhổn - ga Hà Nội lại lùi vận hành đến tháng 8/2023
Thay vì vận hành thương mại vào hai mốc đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu là tháng 12/2022 và tháng 3/2023, chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) vừa đề xuất lùi thời gian khai thác dự án đến tháng 8/2023 - lỡ tiến độ khai thác lần thứ 9.
Cụ thể MRB vừa có đề xuất với UBND thành phố Hà Nội điều chỉnh thời gian đưa vào khai thác, vận hành đoạn trên cao vào tháng 8/2023, thay vì cuối năm 2022 như kế hoạch yêu cầu.
Trong thời gian từ nay đến khi vận hành chính thức dự án, MRB đưa ra các bước công việc như sau: Hoàn thành gói thầu CP5 tại khu Depot vào tháng 5/2023; hoàn thành nhóm công việc nghiệm thu bàn giao, chứng nhận an toàn hệ thống vào tháng 8/2023; tổ chức giai đoạn vận hành thử cho 57 kịch bản vận hành, bảo trì theo lịch chạy tàu 3 ca/ngày, 7 ngày/tuần, thời gian này dự kiến trong 8 tuần, bắt đầu từ tháng 5/2023 đến tháng 6/2023.
Với nội dung đánh giá an toàn hệ thống, sẽ thực hiện sau 20 ngày kể từ khi kết thúc giai đoạn 8, vận hành thử, chứng nhận an toàn hệ thống sẽ được phát hành vào tháng 7/2023.
Toàn bộ kế hoạch thực hiện trên đều được Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu (SIC) kiểm tra, giám sát. Chấp thuận cuối cùng của SIC sẽ được ban hành sau 30 ngày kể từ khi hoàn thành vận hành thử và hoàn thành đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống, dự kiến trong tháng 8/2023.
Có doanh nghiệp vận tải vi phạm tốc độ hơn 6.000 lần trong 1 tháng
Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa trích xuất dữ liệu giám sát hành trình từ ngày 1 đến 31/1 cho biết, Công ty TNHH MTV thương mại và dịch vụ vận tải chất lượng cao Việt Thắng (xã Phổ Cường, thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi) đã vi phạm về tốc độ hơn 6.000 lần trong 1 tháng, với tổng số kilomet vi phạm là 12.348km. Trung bình mỗi ngày, đội xe khách của công ty này có hơn 200 lần vi phạm tốc độ.
Ông Võ Phiến - Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi - cho biết, thời gian qua việc giám sát, xử phạt các phương tiện vận tải hành khách chạy quá tốc độ cho phép đã được tăng cường. Tuy nhiên, nhiều phương tiện vận tải hành khách vẫn vi phạm tốc độ cho phép.
Hợp tác xã Dịch vụ vận tải Miền Trung cũng được ghi nhận 23 phương tiện vi phạm tốc độ hơn 3.800 lần, quãng đường vi phạm gần 7.000km. Công ty TNHH xe khách Miền Trung có 12 phương tiện vi phạm tốc độ 1.539 lần, quãng đường vi phạm gần 2.700km. Công ty CP Bến xe Quảng Ngãi có 8 phương tiện vi phạm tốc độ hơn 2.360 lần, quãng đường vi phạm gần 4.200km.
Theo ông Phiến, trước tình trạng tài xế vi phạm tốc độ, Sở đã yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải tăng cường công tác theo dõi, quản lý điều kiện về an toàn giao thông. Đơn vị kinh doanh vận tải phải bố trí nhân viên thường xuyên cập nhật thông tin từ thiết bị giám sát hành trình trên từng phương tiện để nhắc nhở, ngăn chặn lái xe vi phạm về tốc độ, dừng đỗ, đón trả khách trái quy định.
Sở GTVT cũng đề nghị các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có phương tiện vi phạm tốc độ phải xử lý nghiêm đối với tài xế và báo cáo kết quả cho Sở. Các trường hợp tái phạm hoặc xử lý không nghiêm các lỗi vi phạm của tài xế sẽ bị Sở GTVT thu hồi phù hiệu chạy xe.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)