Ngành đường sắt giảm giá vé tàu từ hôm nay (6/2)
Ngành đường sắt vừa công bố kế hoạch điều chỉnh lịch chạy tàu và giá vé mới áp dụng từ 6/2/2023. Theo đó, đối với Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, đường sắt điều chỉnh lịch chạy tàu trên các tuyến sau cao điểm Tết Nguyên đán, áp dụng từ ngày 6/2/2023.
Cụ thể, với tuyến đường sắt Bắc - Nam, 4 đôi tàu khách Thống nhất giữa ga Hà Nội - ga Sài Gòn: SE1/SE2, SE3/SE4, SE5/SE6, SE7/SE8 chạy hàng ngày.
![0911duongsat2 0911duongsat2](https://media1.nguoiduatin.vn/media/phong-vien/2023/02/06/0911duongsat2.jpeg)
Tàu khu đoạn phía Bắc, đôi tàu NA1/NA2 chạy tuyến Hà Nội - Vinh hàng ngày. Tuyến Hà Nội - Hải Phòng hàng ngày chạy 4 đôi tàu HP1/HP2, LP2/LP3, LP5/LP6, LP7/LP8. Tuyến Hà Nội - Lào Cai chạy hàng ngày một đôi tàu SP3/SP4.
Đối với Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, đôi tàu SE21/SE22 chạy tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng hàng ngày; đôi tàu SNT1/SNT2 chạy tuyến Sài Gòn - Nha Trang hàng ngày; tuyến Sài Gòn - Phan Thiết hàng ngày chạy một đôi tàu SPT1/SPT2.
Để phục vụ nhu cầu của khách hàng, đường sắt sẽ tổ chức chạy thêm các chuyến tàu Thống nhất và các tàu khu đoạn trên các tuyến.
Đáng chú ý, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội cho biết, sau đợt cao điểm Tết, giá vé các đoàn tàu trên các tuyến sẽ giảm đến 20% tùy theo cung chặng, mác tàu kể từ 6/2.
Chính sách giảm giá vé cá nhân, tập thể khi mua vé trước ngày đi tàu nhiều ngày được áp dụng mức giảm đến 30%. Đường sắt sẽ tiếp tục bán vé tháng tàu Hà Nội - Hải Phòng từ 550.000-800.000 đồng/tháng tùy theo điểm đến.
Trong đó, vé 550.000 đồng/tháng dành cho hành khách đi từ ga Hà Nội, Long Biên, Gia Lâm đến ga Cẩm Giàng, Hải Dương và ngược lại. Mức giá 800.000 đồng/tháng áp dụng với ga đi từ Hà Nội, Long Biên, Gia Lâm đến ga Phú Thái, Thượng Lý, Hải Phòng và ngược lại.
Điểm danh 3 dự án giao thông lớn chậm tiến độ
Theo Báo Giao thông, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, thời điểm hiện tại, việc tăng chi phí GPMB đang là nguyên nhân chính khiến 3 dự án giao thông lớn không đáp ứng được tiến độ thi công theo kế hoạch.
Đáng lo ngại nhất là dự án tuyến tránh phía Đông TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. Theo báo cáo, tính đến ngày 1/2/2023, sản lượng thi công mới đạt 15,6%, chậm 38% so với kế hoạch chủ yếu do công tác GPMB chậm kéo dài, chi phí GPMB vượt hơn 331 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư được duyệt.
![z390720719993258086600f41be8e94cf8b80aa1a09274 166962334383985645421 z390720719993258086600f41be8e94cf8b80aa1a09274 166962334383985645421](https://media1.nguoiduatin.vn/media/phong-vien/2023/02/06/z390720719993258086600f41be8e94cf8b80aa1a09274-166962334383985645421.jpeg)
Chậm GPMB cũng là lý do chính khiến 2 dự án giao thông do Sở GTVT Yên Bái đảm nhận bị “vỡ” kế hoạch về đích.
Cụ thể, tại dự án nâng cấp QL32C đoạn Hiền Lương - TP Yên Bái (Km79 - Km96+500), tỉnh Yên Bái, hiện nay, mặt bằng mới được bàn giao gần 74%, công tác GPMB phần còn lại chưa được thực hiện do chi phí GPMB vượt khoảng 100 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã duyệt, chủ yếu do địa phương có thay đổi đơn giá đất.
Vướng mắc về GPMB khiến sản lượng thi công dự án mới đạt 81%, không hoàn thành theo kế hoạch tháng 12/2022.
Theo Cục Quản lý đầu tư xây dựng, đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp QL37 đoạn Km280 - Km340, tỉnh Yên Bái, diện tích mặt bằng được bàn giao cũng chỉ đạt khoảng 90%, chưa GPMB phần còn lại do chi phí GPMB vượt khoảng 30 tỷ đồng so với tổng mức đầu tư đã duyệt do địa phương có thay đổi đơn giá đất.
Ngoài 2 dự án do Sở GTVT Yên Bái đảm nhận, dự án nâng cấp QL21B đoạn Chợ Dầu - Ba Đa do Sở GTVT Hà Nam phụ trách cũng rơi vào tình trạng “vỡ” tiến độ, không hoàn thành kế hoạch trong tháng 12/2022.
Nguyễn Luận (T/h)