Từ ngày 1/8, phí sát hạch lái xe tăng từ 10 - 50.000 đồng
Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 37/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng.
Theo đó, lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng (phương tiện thi công); Lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện được giữ nguyên mức thu như Thông tư số 188/2016/TT-BTC. Riêng phí sát hạch lái xe tăng từ 10.000 - 50.000 đồng (tùy theo từng mục) kể từ ngày 1/8/2023.
Tại Biểu mức thu phí sát hạch lái xe; lệ phí cấp bằng, chứng chỉ được hoạt động trên các loại phương tiện và lệ phí đăng ký, cấp biển xe máy chuyên dùng ban hành kèm theo Thông tư số 37/2023/TT-BTC, phí sát hạch lái xe cơ giới các loại đã tăng so với Thông tư 188/2016/TT-BTC như sau: Lệ phí sát hạch lý thuyết tăng từ 90.000 lên 100.000 đồng/lần, sát hạch thực hành trong hình tăng từ 300.000 lên 350.000 đồng/lần, sát hạch thực hành trên đường giao thông tăng từ 60.000 lên 80.000 đồng/lần. Riêng sát hạch lái xe ôtô bằng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông vừa được bổ sung ở Thông tư số 37/2023/TT-BTC có mức phí là 100.000 đồng/lần.
Mức thu phí sát hạch lái xe quy định tại Thông tư số 37/2023/TT-BTC được áp dụng thống nhất trên cả nước (không phân biệt cơ quan thuộc Trung ương quản lý hay cơ quan thuộc địa phương quản lý).
Cơ sở bảo dưỡng được tham gia kiểm định xe ô tô
Nghị định 30/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 139/2018/NĐ-CP của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới có hiệu lực ngày 8/6 đã bỏ quy định: Tổ chức kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới phải độc lập về pháp lý và độc lập về tài chính với các tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bảo dưỡng, sửa chữa xe cơ giới.
Điều này đồng nghĩa với việc các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô được phép tham gia kiểm định xe. Tuy nhiên, vẫn cần phải đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, nhân lực theo quy định tại nghị định này.
Cục Đăng kiểm VN cho biết, việc cho phép các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện tham gia thực hiện kiểm định xe sẽ giúp mạng lưới các đơn vị đăng kiểm được mở rộng hơn, người dân có lựa chọn đa dạng hơn.
Trước lo ngại liệu có xuất hiện tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi” khi cơ sở bảo dưỡng yêu cầu phải thay thế phụ tùng mới được kiểm định hay không, lãnh đạo Cục Đăng kiểm cho biết, hiện nay, người tiêu dùng rất thông thái, trước việc có nhiều trung tâm đăng kiểm để lựa chọn.
Nếu cảm thấy việc đơn vị bảo hành, bảo dưỡng (kiêm đơn vị đăng kiểm) đề nghị nội dung không phù hợp, đưa ra hạng mục sửa chữa tuỳ tiện, vô lý, có thể từ chối thực hiện kiểm định tại đây và đưa xe sang đơn vị đăng kiểm khác làm nghiêm túc, minh bạch hơn để thực hiện.
Hà Nội đề xuất cắt nốt 173 xe khách bỏ bến hơn 60 ngày liên tục
Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đang tích cực phối hợp với các bến xe trên địa bàn, xác định cụ thể các phương tiện không hoạt động trong 60 ngày liên tục; đề xuất Sở GTVT Hà Nội thu hồi phù hiệu, cắt nốt theo quy định.
Qua rà soát, có tổng số 173 phương tiện không hoạt động 60 ngày liên tục. Trong đó, bến xe Mỹ Đình, 107 phương tiện, bến xe Giáp Bát, 62 phương tiện, bến xe Gia Lâm 4 phương tiện.
Căn cứ danh sách này, Thanh tra Sở GTVT Hà Nội đang tích cực rà soát, xử lý nghiêm xe khách bỏ bến hoạt động bên ngoài trái quy định.
Liên quan đến tình trạng này, Cục Đường bộ VN nhiều lần có văn bản yêu cầu Sở GTVT các tỉnh, thành phố khai thác, sử dụng dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để theo dõi phương tiện đã được cấp phù hiệu tuyến cố định. Các xe đã được cấp phù hiệu tuyến cố định nhưng bỏ bến ra ngoài hoạt động không đúng loại hình kinh doanh cần xử lý nghiêm theo quy định.
Thành Đô (tổng hợp)