Chuyển thông tin nhiều cơ sở đào tạo, cấp bằng lái xe có dấu hiệu tiêu cực đến cơ quan công an
Theo Bộ Giao thông vận tải (GTVT), thời gian qua, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và chuyên đề cũng như nắm bắt thông tin từ dư luận xã hội, Bộ luôn xác định đây là lĩnh vực có phạm vi, ảnh hưởng lớn đối với xã hội, tác động đến nhiều đối tượng, có nhiều diễn biến phức tạp trong thực tiễn, nhưng một số nơi có hiện tượng buông lỏng trong công tác quản lý, giám sát dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ tiêu cực.
Chính vì vậy, ngay từ đầu năm 2023, Bộ đã quyết định thành lập các Đoàn kiểm tra toàn diện, tổng thể công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe của các Sở Giao thông vận tải trên phạm vi toàn quốc.
Đồng thời quán triệt quá trình kiểm tra phải tuân thủ nguyên tắc công khai, minh bạch, độc lập, khách quan, nghiêm túc, làm đến đâu xử lý sai phạm đến đó; chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và pháp luật về kết quả thanh, kiểm tra.
Đến nay, qua kiểm tra nhận thấy có tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, thực hiện của Sở GTVT, tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực như: Việc khai thác dữ liệu DAT (thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe) để quản lý công tác đào tạo còn hạn chế; Chưa kiểm tra, giám sát khóa học, kỳ thi cấp chứng chỉ hoặc thực hiện còn hình thức, không đúng thực tế.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng để cơ sở đào tạo gửi báo cáo 1 qua phần mềm chậm nhiều ngày; Xét duyệt thí sinh đạt điều kiện dự sát hạch khi chưa đối chiếu đầy đủ dữ liệu qua hệ thống DAT; Có hiện tượng thí sinh trao đổi với nhau, sát hạch viên trao đổi với thí sinh trong sát hạch lý thuyết.
Đặc biệt qua công tác kiểm tra, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam đã chuyển thông tin nhiều cơ sở đào tạo lái xe nghi ngờ có dấu hiệu tiêu cực đến cơ quan công an địa phương để xác minh, làm rõ, xử lý theo đúng thẩm quyền quy định.
Để tăng cường công tác quản lý nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, rà soát, hoàn thiện các tiêu chuẩn, điều kiện về cơ sở vật chất đối với các cơ sở đào tạo lái xe. Đồng thời có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, chấm dứt tình trạng cấp giấy phép lái xe cho người nghiện ma túy, người không đủ năng lực, hành vi, sức khỏe.
Nghiên cứu mở thêm nhiều tuyến xe buýt kết nối với metro Bến Thành-Suối Tiên
Ngày 6/6, tin từ Trung tâm Quản lý giao thông công cộng, Sở Giao thông Vận tải TPHCM, vừa có đề xuất nghiên cứu mở 22 tuyến xe buýt gom phục vụ kết nối chở hành khách từ tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. Đây là một nội dung được nêu trong kế hoạch tái cấu trúc mạng lưới xe buýt kết nối với các nhà ga tuyến metro số 1 đang được trung tâm hoàn thiện để đưa vào vận hành.
Theo đó, trong 22 tuyến đề xuất mở mới có 19 tuyến nội thành, 3 tuyến liên tỉnh. Trong 3 tuyến liên tỉnh, có 2 tuyến kết nối với tỉnh Bình Dương (Bến xe Củ Chi-Dĩ An-Bến xe Miền Đông mới; Bến xe Bến Cát-Bến xe Miền Đông mới); 1 tuyến kết nối tỉnh Đồng Nai (Bến xe Miền Đông mới-Khu du lịch Giang Điền).
Đối với 19 tuyến nội thành, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng đề xuất mở mới các tuyến kết nối các khu dân cư, trường đại học như Trường Đại học Nông Lâm, Sư phạm Kỹ Thuật, Đại học Quốc gia, Vinhomes Grand Park, khu dân cư Thạnh Mỹ Lợi, Masteri An Phú… đến các nhà ga tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên.
Hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không
Văn phòng Chính phủ vừa ban hành văn bản số 208/TB-VPCP ngày 6/6 thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ tại cuộc họp về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thông báo nêu Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch) đã được Hội đồng thẩm định quy hoạch thông qua, được Thường trực Chính phủ cho ý kiến trước đây (Thông báo số 348/TB-VPCP ngày 24/12/2021). Bộ Giao thông Vận tải đã cùng các cơ quan, địa phương liên quan tiếp thu ý kiến Thường trực Chính phủ và đã tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch.
Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ công tác 1121 để nghiên cứu khả năng tổ chức khai thác hàng không dân dụng tại các sân bay quân sự Biên Hòa và Thành Sơn, đề xuất sơ bộ phương án tổ chức khai thác trong trường hợp bổ sung vào quy hoạch, báo cáo Thường trực Chính phủ việc nghiên cứu, xem xét chuyển các sân bay quân sự thành các sân bay lưỡng dụng.
Đến nay, Quy hoạch đã hoàn thiện, bảo đảm căn cứ chính trị và căn cứ pháp lý. Quy hoạch đã tiếp thu đầy đủ ý kiến Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết số 81/2023/QH15 ngày 9/1/2023 của Quốc hội khóa XV về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thường trực Chính phủ lưu ý nội dung quy hoạch bảo đảm đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng trong từng thời kỳ quy hoạch. Các sân bay tiềm năng của các địa phương có thể được đầu tư xây dựng khi đủ điều kiện, có nhu cầu và nhất là huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện; các sân bay chuyên dùng của các lực lượng vũ trang sẽ được xem xét sử dụng lưỡng dụng phục vụ cho phát triển cả kinh tế và bảo đảm an ninh, quốc phòng.
Thường trực Chính phủ cũng đồng ý xem xét, bổ sung sân bay Gia Bình của Bộ Công an (đã được Thủ tướng Chính phủ cho chủ trương bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích an ninh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vào danh mục các sân bay tiềm năng và duyệt quy hoạch bổ sung chính thức khi đủ điều kiện, đúng thẩm quyền để thực hiện ngay.
Anh Nguyễn (tổng hợp)