Israel vô hiệu hóa loạt tên lửa Nga ở Iran
Tờ New York Times (NYT, Mỹ) ngày 26/10 dẫn lời 3 quan chức Iran và 3 quan chức quốc phòng cấp cao Israel cho hay, các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran sáng sớm ngày 26/10 đã phá hủy các hệ thống phòng không được thiết lập để bảo vệ một số nhà máy lọc dầu và hóa dầu quan trọng, cũng như các hệ thống bảo vệ mỏ khí đốt lớn và một cảng lớn ở miền nam Iran.
Đáng lưu ý, ngoài các hệ thống phòng thủ này, Israel còn vô hiệu hóa thêm 3 hệ thống phòng không S-300 mà Nga cung cấp cho Iran, nâng tổng số tổ hợp S-300 bị tê liệt bởi các cuộc tấn công của Israel nhằm vào Iran lên 4 hệ thống.
Trước đó, hệ thống S-300 đầu tiên đã bị vô hiệu hóa sau khi Israel tấn công một căn cứ quân sự ở tỉnh Isfahan vào tháng 4 năm nay nhằm đáp trả cuộc tập kích với hơn 300 tên lửa và máy bay không người lái (UAV) Iran vào lãnh thổ Israel.
Trong khi đó, trả lời tờ Wall Street Journal (WSJ, Mỹ), một quan chức khác của Israel đã dùng cụm từ “bị phá hủy” để mô tả tình trạng của các hệ thống S-300 này.
Theo 3 quan chức Iran, việc Israel phá hủy các hệ thống phòng không đã làm dấy lên những lo ngại sâu sắc ở Iran, bởi các trung tâm năng lượng và kinh tế quan trọng giờ đây trở thành các mục tiêu rất dễ bị tổn hại nếu vòng xoáy trả đũa giữa Iran và Israel tiếp tục.
“Israel đang gửi một thông điệp rõ ràng đến chúng tôi” - Hamid Hosseini, chuyên gia về ngành dầu khí và là thành viên của Phòng Thương mại Iran-Iraq nói. “Điều này có thể gây ra hậu quả kinh tế rất nghiêm trọng đối với Iran. Hiện tại, khi chúng ta đã hiểu được những rủi ro, chúng ta cần hành động khôn ngoan và không tiếp tục căng thẳng."
Đề cập tới việc Israel vô hiệu hóa các tổ hợp S-300, ông Ali Vaez – Giám đốc phụ trách các vấn đề Iran của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế (ICG) cho rằng, Iran “khó có khả năng thay thế các hệ thống này kịp thời, khiến lãnh thổ của họ dễ bị tổn hại nhiều hơn trong các cuộc trả đũa tương lai”.
Theo trang tin Cursor Info (Israel), S-300 được xem là “xương sống” của mạng lưới phòng không Iran, song tổ hợp tên lửa Nga đã cho thấy sự kém hiệu quả trước tên lửa Israel.
“Niềm tự hào của Nga đã bị phá hủy chỉ trong một đêm” - Cursor Info viết, đồng thời lưu ý thêm rằng, hơn 100 máy bay chiến đấu của Israel đã xuất kích tấn công Iran, giáng một đòn mạnh khiến mạng lưới phòng không Iran phải mất nhiều năm để khôi phục.
Quá trình để S-300 đến với Iran khá chật vật, do các lệnh cấm của Liên Hợp Quốc áp đặt lên Tehran. Năm 2016, sau gần 1 thập kỷ trì hoãn, Nga mới bắt đầu chuyển giao tổ hợp tên lửa của mình cho Iran. Hệ thống trị giá khoảng 800 triệu USD này được thiết kế để đánh chặn máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình và tên lửa đạn đạo tầm bắn lên tới 200km.
Tuy nhiên, ngay cả khi Iran đã đầu tư thêm vào các hệ thống phòng không nội địa như Bauer-373 và Khordad-15 để bổ trợ cho S-300, các chuyên gia cho biết mạng lưới phòng không của Iran vẫn rất dễ bị tổn hại trước các cuộc tấn công phức tạp.
Vào tháng 8 năm nay, khi Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Sergei Shoigu tới Tehran, hai quan chức Iran tiết lộ với truyền thông rằng, Moscow đã bắt đầu chuyển giao thêm loạt hệ thống phòng không hiện đại tới Iran sau khi nhận được đề nghị từ đồng minh.
Tờ Washington Post (Mỹ) hồi tháng 4 cho biết, Iran có ý định mua cả hệ thống phòng không S-400 từ Nga nhưng không rõ nước này đã đạt được thỏa thuận hay chưa.
Nga có hành động ngay trước cuộc tấn công của Israel
Hiện Moscow chưa đưa ra bình luận nào về thiệt hại của các hệ thống phòng không S-300 sau cuộc tấn công của Israel. Tuy nhiên, truyền thông Nga đã đồng loạt đưa tin về diễn biến này.
Hãng thông tấn Interfax cho biết, các hệ thống bị Israel đánh trúng vốn được bố trí ở những vị trí chiến lược để bảo vệ Tehran, cũng như các cơ sở hạt nhân và năng lượng. Trong khi đó, 4 tổ hợp S-300 tại Iran “đã bị hư hại”.
Đáng lưu ý, kênh truyền hình Emirati Sky News Arabia dẫn một nguồn tin cho biết, Nga đã gửi cảnh báo tới Iran về cuộc tấn công vài giờ trước khi Israel bắt đầu hành động.
Cụ thể, khi chiến dịch không kích của Israel sắp bắt đầu, Nga đã cảnh báo Iran bằng cách chia sẻ thông tin tình báo về các mục tiêu tiềm năng của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và các hành động được dự đoán có thể xảy ra.
Theo nguồn tin, hành động của Nga nằm trong khuôn khổ thỏa thuận hợp tác với Iran để giảm leo thang khu vực. Nhờ nhận được thông tin từ Nga mà Iran đã có thời gian chuẩn bị và giảm quy mô thiệt hại từ cuộc tấn công của Israel.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova trong ngày 26/10 đã “bày tỏ sự quan ngại sâu sắc” về cuộc tấn công của Israel vào Iran, đồng thời kêu gọi Tel Aviv “ngừng khiêu khích Iran trả đũa để thoát khỏi vòng xoáy leo thang không kiểm soát”.
"Chúng tôi coi việc bình thường hóa tình hình quân sự-chính trị ở Trung Đông càng sớm càng tốt là vô cùng cần thiết, điều này sẽ đáp ứng lợi ích của tất cả các bên liên quan cả trong và ngoài khu vực” – Bà Zakharova nhấn mạnh.
Nhà ngoại giao đề nghị để Nga làm trung gian hòa giải nhà nhấn mạnh rằng, Moscow sẵn sàng làm việc với tất cả các bên để hạ nhiệt căng thẳng.
Minh Nhật