Hà Nội thí điểm lắp đặt biển báo thông minh, cảnh báo giao thông từ xa
Theo Sở GTVT Hà Nội, nguyên nhân tai nạn giao thông ở một số cầu vượt trên địa bàn thủ đô thời gian qua chủ yếu do xe khách, xe tải có chiều cao vượt quá quy định… cố tình di chuyển lên cầu, làm sập khung hạn chế, gây ùn tắc và mất an toàn giao thông. Nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông tại một số tuyến đường, TP Hà Nội đang thí điểm lắp đặt các biển cảnh báo điện tử thông minh, cảnh báo người dân sớm có phương án di chuyển phù hợp hơn.
Cầu vượt Thái Hà - Chùa Bộc là địa điểm đầu tiên được Sở GTVT Hà Nội thí điểm lắp đặt biển cảnh báo. Biển báo điện tử nhằm đưa ra cảnh báo từ xa đối với phương tiện vượt khung giới hạn chiều cao, sẽ sớm chọn lộ trình di chuyển thích hợp.
Biển báo điện tử đưa ra thông số kỹ thuật cảnh báo thanh giới hiện chiều cao của cầu vượt là 2,2 mét. Với thông số kỹ thuật được lập trình sẵn, chỉ cần hệ thống camera phát hiện phương tiện có chiều cao vượt quá thanh chắn, bảng báo điện tử sẽ hiện biển số xe để cảnh báo cho lái xe chọn hướng di chuyển khác.
Theo đại diện Ban Duy tu các công trình giao thông Hà Nội, biển báo thông minh sử dụng ứng dụng nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) phân tích, xử lý hình ảnh bằng camera. Việc lắp đặt hệ thống biển báo thông minh đã đem lại hiệu quả rõ rệt, giảm thiểu phương tiện vi phạm.
Bác đề xuất nâng cấp BOT Thái Nguyên - Chợ Mới
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa có công văn gửi Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới liên quan đến phương án xử lý vướng mắc, bất cập tại Dự án BOT tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 3, đoạn Km75-Km100.
Theo đó, phương án kết hợp giữa đầu tư xây dựng bổ sung một số hạng mục và kéo dài phạm vi dự án với giải pháp xử lý vướng mắc bất cập trạm thu phí của dự án BOT này là không phù hợp với hợp đồng đã ký kết, chưa có tiền lệ.
Công văn của Bộ GTVT cũng nêu rõ: "Việc đầu tư nâng cấp bổ sung 9,4 km trên Quốc lộ 3 là đường hiện hữu theo hình thức BOT không phù hợp với Nghị quyết số 437/NQ-UBTVQH14 ngày 21/10/2017 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội”.
Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo không làm cao tốc 2 làn xe. Vì vậy, Bộ GTVT đã giao Ban quản lý dự án 2 nghiên cứu điều chỉnh chủ trương đầu tư đối với tuyến cao tốc Chợ Mới – Bắc Kạn với quy mô 4 làn xe. Đồng thời sẽ nghiên cứu đầu tư nâng cấp đồng bộ tuyến Thái Nguyên – Chợ Mới theo tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe.
Bộ GTVT đề nghị Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ tiếp tục nghiên cứu đề xuất để thống nhất về giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập cho Dự án. Báo cáo cấp có thẩm quyền theo hướng hỗ trợ vốn ngân sách Nhà nước và đề xuất các cơ chế, chính sách để hỗ trợ nhà đầu tư tiếp tục thực hiện hợp đồng BOT đã ký kết.
Trước đó, trong văn bản gửi Bộ GTVT, Công ty TNHH BOT Thái Nguyên - Chợ Mới đã đề xuất 2 phương án đầu tư các hạng mục bổ sung để cứu dự án khỏi nguy cơ phá sản khi không thu phí tại trạm thu phí trên Quốc lộ 3.
TP.HCM có gần 400 tên đường sai hoặc trùng
Ngày 14/2, Trung tâm nghiên cứu đô thị phát triển và Trung tâm ứng dụng hệ thống thông tin địa lý TP.HCM tổ chức hội thảo “Xây dựng WebGIS phục vụ quản lý và công bố thông tin, hỗ trợ công tác quy hoạch, đặt đổi tên đường, công trình công cộng tại TP.HCM”.
Tại hội thảo, các chuyên gia cho biết hiện TP.HCM có gần 400 tên đường cần đổi.
Cụ thể, trong gần 400 tên đường cần đổi thì có 311 đường trùng tên với 132 tên đường, như đường Lê Lai (Q1, Gò Vấp, Tân Bình, Hóc Môn), Lê Lợi (Quận 1, Gò Vấp, Thủ Đức), Cô Bắc, Cô Giang (Quận 1, Phú Nhuận), Phan Văn Trị (Gò Vấp, Bình Thạnh, Quận 5)…; 38 tên đường không chính xác làm người dân không biết đúng tên các nhân vật lịch sử hoặc địa danh, như Kha Vạn Cân (tên đúng là Kha Vạng Cân), Tôn Đản (tên đúng là Tông Đản), Trương Quốc Dung (tên đúng là Trương Quốc Dụng)….
Trong số này còn có 21 tên đường không có ý nghĩa về lịch sử văn hoá bởi ban đầu chưa có tên nên người dân tự đặt cho tiện liên lạc, trao đổi thông tin và dần dần thành quen. Ví dụ như đường Bùi Hữu Diện Lô 1, Hoàng Diệu 2… và các trường hợp tên đường còn chưa thống nhất ý kiến như: Cao Đạt, Khải Định, đường Ấp Chiến lược…
Theo các chuyên gia, điều này sẽ dẫn đến những bất tiện cho người dân trong đời sống hàng ngày, cần phải có sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp.
Thành Đô (Tổng hợp)