Thí điểm thu phí tự động tại Nội Bài và Tân Sơn Nhất
Cục Đường bộ Việt Nam vừa đề xuất thí điểm thu phí tự động không dừng tại các trạm thu phí của hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài.
Theo đó, hiện nay các trạm thu phí sân bay trong cả nước, đặc biệt là ở sân bay Nội Bài và sân bay Tân Sơn Nhất vẫn thu phí theo hình thức thủ công, tài xế phải dừng xe trước trạm thu phí để trả tiền mặt khiến cho khu vực trạm thường xuyên bị ùn tắc, gây bức xúc cho tài xế và hành khách.
Việc mở rộng các dịch vụ thanh toán trên nền tảng hệ thống thu phí điện tử không dừng như thu phí tại cảng hàng không, thu phí bãi đỗ xe, thu phí điểm đỗ xe lòng đường… là cần thiết, phù hợp với xu thế phát triển của giao thông thông minh, thuận tiện cho người sử dụng dịch vụ và tăng tối đa hiệu quả đầu tư của các dự án.
Hơn nữa, thu phí không dừng đã quen thuộc, đến nay đã có gần 5 triệu xe dán thẻ, mở tài khoản thu phí (tài khoản giao thông), đạt trên 90% tổng số lượng phương tiện trên cả nước.
Do vậy, Cục Đường bộ Việt Nam đề xuất Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép các nhà cung cấp dịch vụ thu phí điện tử không dừng thí điểm mở rộng thêm dịch vụ thu phí điện tử không dừng tại cảng hàng không Nội Bài và Tân Sơn Nhất trong thời gian là 6 tháng.
Trên cơ sở quá trình triển khai và kết quả thí điểm thu phí điện tử không dừng tại hai cảng hàng không Bộ GTVT đánh giá tác động và rà soát, nghiên cứu đề xuất, kiến nghị phương án xử lý phù hợp đúng quy định pháp luật.
Xuất hiện "hố tử thần" trên tuyến tỉnh lộ 588A
Sáng 29/9, ông Hồ Văn Do, Chủ tịch UBND xã Mò Ó (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cho biết, trên tuyến tỉnh lộ 588A, đoạn thuộc địa phận thôn Đồng Đờng vừa xuất hiện một điểm sụt lún.
Liên quan đến vụ việc, Ban Quản lý bảo trì giao thông, Sở Giao thông vận tải tỉnh Quảng Trị cho hay, vị trí xảy ra điểm sụt lún tại Km 3+350, tỉnh lộ 588.
Đồng thời, ngay sau khi nhận được thông tin, cơ quan, đơn vị liên quan đã phối hợp khắc phục điểm sụt lún trên.
Đại diện Ban Quản lý bảo trì giao thông cho biết thêm, hiện điểm sụt lún đã được khắc phục; tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, đơn vị vẫn đặt biển cảnh báo và tiếp tục theo dõi thêm tại vị trí sụt lún.
Cũng theo đại diện Ban Quản lý bảo trì giao thông, bên dưới chỗ sụt lún có cống thoát nước đã được xây dựng từ nhiều năm trước, nay đã xuống cấp. Hiện nay, đã có kế hoạch sửa chữa cống này và dự kiến tiến hành trong tháng 10/2023.
Đề xuất ô tô đưa đón học sinh có màu sơn nhận diện hoặc đèn cảnh báo
Tại Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đề xuất xe đưa đón học sinh phải có thiết bị cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn để nhận diện.
Tại Dự thảo lần 4 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo, đề xuất "Xe đưa đón học sinh phải có thiết bị đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn để nhận diện".
Cụ thể, tại Điều 46 trong Dự thảo Luật này về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với ô tô đưa đón học sinh nêu rõ, xe đưa đón học sinh phải đáp ứng hai yêu cầu.
Thứ nhất, bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định, có niên hạn sử dụng không quá 15 năm, có thiết bị đèn cảnh báo hoặc ký đăng ký màu sơn để nhận diện.
Thứ hai, ô tô sử dụng để đưa đón học sinh tiểu học hoặc mầm non phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc phải sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi học sinh, kính xe đảm bảo có thể quan sát rõ phía trong xe từ bên ngoài.
Cũng tại Điều này, khi đưa đón học sinh tiểu học và mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và đảm bảo an toàn cho học sinh trong suốt chuyến đi.
Trường hợp sử dụng ô tô có sức chứa trên 24 chỗ để đưa đón học sinh mầm non, phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe.
Các cơ sở giáo dục, đào tạo phải xây dựng, tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh.
Ngoài ra, cơ sở giáo giáo dục, đào tạo khi tổ chức hoạt động đưa, đón học sinh chịu trách nhiệm về việc đón, trả học sinh của đơn vị mình bảo đảm an toàn giao thông.
Xe đưa đón học sinh cũng được ưu tiên trong tổ chức, phân luồng, điều tiết giao thông, bố trí nơi dừng, đỗ tại khu vực trường học và tại điểm trên lộ trình đưa đón học sinh.
Anh Nguyễn (tổng hợp)