Các số liệu được cung cấp trong dự thảo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ôtô Việt Nam đến 2030. Bên cạnh số liệu ước tính đến năm 2030 kể trên, Bộ Công thương cho biết, đến năm 2045, tăng trưởng thị trường ô tô Việt có thể đạt 11-12% mỗi năm, tổng lượng xe 5-5,7 triệu chiếc. Trong đó, xe điện, sử dụng năng lượng sạch chiếm 80-85% thị phần, tương đương 4,3-4,4 triệu xe. Sản lượng xe lắp ráp trong nước khoảng 4-4,6 triệu chiếc, đáp ứng 80-85% nhu cầu nội địa. Như vậy, mức tiêu thụ đặt ra tới năm 2030 của thị trường ô tô Việt đã gấp khoảng 2,5 lần số liệu ghi nhận vào cuối năm 2023.
Bộ Công Thương dẫn báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cho biết năm 2023, lượng xe trên toàn quốc đăng ký mới là hơn 408.500 chiếc. Tổng số xe đã đăng ký lũy kế đến cuối năm là 6,31 triệu chiếc. Số lượng này cao gấp đôi lượng bán ra kỷ lục trong năm 2022, vượt 500.000 xe, thuộc nhóm 4 thị trường lớn nhất Đông Nam Á cùng với Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Tăng trưởng sức mua của thị trường ôtô Việt Nam cao thứ hai khu vực, chỉ sau Malaysia.
Theo Bộ Công Thương, từ năm 2011 đến nay, thị trường ôtô Việt Nam liên tục tăng trưởng. Hiện, mức sở hữu xe bình quân đầu người là 63 xe trên 1.000 dân vào 2023. Nếu chỉ tính xe du lịch dưới 9 chỗ, tỷ lệ sở hữu ôtô là 30 xe trên 1.000 dân. Tỷ trọng xe cá nhân, gia đình và tổ chức chiếm 67% tổng lượng ôtô đang lưu hành toàn quốc, theo cơ quan quản lý.
Khi xây dựng chiến lược lần này, Bộ cũng muốn tăng tỷ lệ xe sản xuất lắp ráp trong nước lên khoảng 70% so với nhu cầu nội địa vào 2030, và đáp ứng 87% vào năm 2045. Hiện, tỷ trọng xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) vẫn khá lớn, khoảng trên 40%, theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan và VAMA.
Việt Nam cũng đang định hướng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ. Cụ thể, đến 2030, ngành công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ôtô sẽ đáp ứng khoảng 55-60% nhu cầu về linh kiện, phụ tùng cho sản xuất lắp ráp trong nước, tăng lên 80-85% vào 2045.
Ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ tăng ứng dụng công nghệ để chế tạo các chi tiết, linh kiện quan trọng như bộ truyền động, hộp số, động cơ, thân vỏ xe. Họ cũng phải tăng hợp tác với các hãng ôtô lớn, lựa chọn loại phụ tùng, linh kiện có thể sản xuất để đảm nhận vai trò mắt xích trong chuỗi sản xuất - cung ứng toàn cầu.
Hiện, cả nước có khoảng 30.000 doanh nghiệp cơ khí, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo. Song, theo Bộ Công Thương, chất lượng nguồn nhân lực ngành cơ khí chưa đáp ứng nhu cầu vận hành các thiết bị công nghệ cao. Đây là một trong những vấn đề quan trọng ảnh hưởng đến sản xuất, hiệu quả kinh tế của ngành gia công cơ khí.
Trong khi đó, những linh kiện nội địa hóa được, chủ yếu là các chi tiết cồng kềnh, giản đơn, sử dụng nhiều nhân công, giá rẻ như ghế, ắc quy, nhựa cỡ lớn. Phần lớn linh kiện yêu cầu hàm lượng chất xám, kỹ thuật cao phải nhập khẩu. Doanh nghiệp trong nước cũng chưa sản xuất được các cụm linh kiện phức tạp.
Về mục tiêu của thị trường ô tô Việt Nam theo dự thảo, ông Đào Công Quyết - Trưởng Tiểu ban truyền thông của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam cũng bày tỏ sự lo ngại. Theo ông, để đạt mục tiêu tiêu thụ 1 - 1,1 triệu xe/năm vào 2030, cần có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Chính phủ, cải thiện hạ tầng và đẩy mạnh sản xuất nội địa. Hiện tại, mức tiêu thụ ô tô ở Việt Nam chỉ dao động từ 300.000 - 500.000 xe/năm. Dù các hãng xe đã nỗ lực kích cầu, thị trường vẫn chưa vượt qua ngưỡng 500.000 xe. Việc đạt 1 triệu xe vào năm 2030 sẽ rất khó nếu không có chính sách phù hợp và hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ về thuế, cơ sở hạ tầng và công nghệ.
Anh Nguyễn (tổng hợp)