Khoảng 10 năm trở về trước, dân ta đổ xô đi mua xe máy Trung Quốc vì giá rẻ. Nhiều người rõ ràng biết là xe Tàu chất lượng kém, nhưng đúng là điều kiện lúc đó, với số tiền ngần ấy, chỉ đủ mua xe Tàu. Liệu nghiệm đúng đó có còn áp dụng được cho ô tô - Một mặt hàng giá trị lớn, khối tài sản của một đời người tại thị trường Việt Nam. Nếu nói không thì có lẽ đó là dấu chấm hết cho xe hơi Trung Quốc đang ngấp nghé tràn vào dải đất hình chữ S thời gian gần đây nhưng cơ hội thì chắc chắn là không nhiều khi mà các thương hiệu tiếng tăm thế giới như Nhật, Hàn, Mỹ còn đang chật vật tìm chỗ đứng ở "miếng bánh" ngày càng bị cắt nhỏ và nóng lên từng giờ.
Ô tô Trung Quốc với thiết kế "chắp vá" cùng giá bán rẻ. Ảnh minh họa. |
Những nhà nhập khẩu ô tô Trung Quốc có cái lý khi đoán định thời điểm đưa các thương hiệu như Lifan, BYD, BAIC, Zotye, Đông Phong... thâm nhập thị trường Việt những năm gần đây mà không phải sớm hơn khi mà thị trường đã cởi mở hơn, người tiêu dùng dễ chấp nhận và trải nghiệm các sản phẩm mới. Nếu trước đây là "nhất Mẹc, nhì Bi, tam Ry, tứ Mit" thì bây giờ là xe Hàn, xe Mỹ cũng đã chạy đầy đường. Nhưng đó là thương hiệu trăm năm, bề dày và sự bền bỉ có thừa để tạo lập vị trí và bản sắc riêng có của mình. Còn với những mẫu xe "ăn xổi" của người Trung Quốc thì bạn có thể trải nghiệm đủ dư vị từ sự sang trọng, hiệu suất của những cỗ máy Đức đến nét tinh tế, tài hoa của người Ý và trình độ thủ công tài tình của những "phù thủy" Anh Quốc chỉ trên... một chiếc xe. Đương nhiên phong cách "sao chép" mãi là chỉ sao chép nên chất lượng, cảm giác cũng phù hợp với giá tiền. Và bước lên một chiếc xe Trung Quốc bạn như đang được sống trong một bảo tàng về xe hơi của thế giới với đa sắc, muôn hình vạn trạng.
Còn nhớ cái thời "wave tàu" đổ bộ, trên thị trường lúc bấy giờ có bao nhiêu loại xe máy, có bao nhiêu mác xe thì người Trung Quốc nhái đủ cả. Và với các thương hiệu xe ô tô Trung Quốc, công thức ấy vẫn rất rất đúng với những dòng xe bốn bánh. Chẳng hạn như trên một chiếc xe Zotye vay mượn dáng hình của những chiếc Range Rover đầu bảng, đèn chiếu sáng cóp nhặt từ Audi hay BMW trong khi vô lăng đâu đó có hình bóng của những chiếc Porsche đỉnh cao. Chưa kể đến cụm cần số dạng xoay "mọc lên rồi biến mất" vốn được coi là "đặc sản" của Jaguar Land Rover cũng được "dựng" lại một cách tài tình.
Nếu xét về giá và Slogan "mọi người dân đều có thể mua ô tô" thì có lẽ những thương hiệu Trung Quốc đã nghĩ và làm đúng. Tuy nhiên đó là phía họ, còn những thượng đế vốn đã ăn sâu vào tiềm thức về xe Nhật, xe Đức thì ngay cả người Hàn cũng rất vất vả mới tạo nên được một kỳ tích, thay đổi một bộ phận nhỏ người tiêu dùng Việt và khiến họ "xuống tiền".
Nghiệm đúng của xe máy "Tàu" có áp dụng được cho ô tô. Ảnh minh họa. |
Dẫu biết rằng cùng tầm giá nhưng rẻ hơn 200-300 triệu so với xe Hàn, xe Nhật nhưng sẽ không nhiều người tự tin rước xe này về garage. Chất lượng là mối quan tâm hàng đầu nhưng hệ sinh thái, sau bán hàng của các thương hiệu này chưa thực sự thuyết phục. Đâu đó đã có những thương hiệu, nhà nhập khẩu làm một cách bài bản và lớp lang nhưng "một cây làm chẳng nên non". Anh bạn trong giới buôn xe tếu táo rằng rẻ chưa chắc đã hay khi mà thay đồ phụ tùng, phụ kiện thì đắt như Mercedes trong khi đợi hàng về thì chả khác nào mua Rolls-Royce. Chưa kể đến việc xuống giá nhanh, tính thanh khoản không cao đối với những mẫu xe xuất xứ Trung Quốc.
Những điều trên có thể đúng với số đông các mẫu xe Trung Quốc nhưng bên cạnh đó cũng có một vài thương hiệu đang được một bộ phận nhỏ người dùng đặt niềm tin. Một phần vì kinh tế eo hẹp nên họ chọn lựa, một phần vì những chiếc xe này sử dụng động cơ của các hãng lớn, uy tín trên thế giới trong khi phần đồng, vỏ được họ hoàn thiện một cách khá tốt, chấp nhận được.
Đỉnh điểm của "cơn bão" xe giá rẻ đến từ Trung Quốc khó có thể đoán định được tuy nhiên để có thể tạo ra một hiện tượng như các dòng xe máy "Tàu" đã làm tại Việt Nam thì đó là một viễn cảnh xa vời, mà rất rất lâu nữa thị trường mới có thể cảm nhận.
Nguyễn Linh