Chiều 1/11, tại phiên họp thường kỳ, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thừa Thiên – Huế - Nguyễn Đại Vui đã phân tích các chỉ số được đề ra từ đầu năm; nhận diện những khó khăn, vương mắc để hoàn thành mục tiêu theo kế hoạch được giao.
Theo báo cáo, Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tính chung 10 tháng ước tăng 2,3% so với cùng kỳ; trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tăng 3,3%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 10 tháng ước đạt 24.915 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ; đã cấp phép cho 19 dự án cấp mới với tổng vốn đầu tư đạt 5.070 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh cũng đã cơ bản hoàn thành thu hoạch các loại rau màu và cây trồng hằng năm…
Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, ước giải ngân 10 tháng của tỉnh Thừa Thiên - Huế đạt 69% kế hoạch Thủ tướng giao, xếp thứ 10/63 tỉnh/thành. Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, tỉnh đã giao bổ sung các nguồn lực đầu tư công là 2.676,84 tỷ đồng. Như vậy, tổng số kế hoạch đầu tư công năm 2023 của tỉnh đã giao đến nay là 8.600,097 tỷ đồng, giải ngân đến thời điểm báo cáo là 5.227,86 tỷ đồng, đạt 61% kế hoạch. Dự ước năm 2023 giải ngân đạt 96% kế hoạch.
Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương cho rằng, đối với tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trong ngân sách và ngoài ngân sách, đề nghị đánh giá mức độ quan trọng các dự án chưa giải ngân hoặc giải ngân dưới 10%.
Đồng thời, cắt giảm kế hoạch vốn của các dự án triển khai chậm để bổ sung vốn cho các dự án có khả năng giải ngân và có nhu cầu bổ sung vốn, trong đó ưu tiên bố trí vốn cho các dự án trọng điểm, có tác động lan tỏa, liên kết vùng, thúc đẩy tăng trưởng. Phấn đấu hoàn thành giải ngân trên 95% kế hoạch vốn. Xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2024.
Liên quan đến các biện pháp quản lý thu, chi ngân sách, lãnh đạo tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ, rốt ráo thu tiền sử dụng đất, vấn đề này sẽ quy trách nhiệm cho từng ngành.
Đình Tuấn