Tỉ lệ đọc thẻ ETC thất bại tại các trạm thu phí TP.HCM tăng liên tục
Sở GTVT TP.HCM vừa có báo cáo gửi Bộ GTVT, UBND thành phố về sơ kết tình hình triển khai thu phí không dừng ETC tại các trạm thu phí BOT trên địa bàn thành phố.
Theo Sở GTVT, tỉ lệ đọc thẻ ETC thất bại tại các trạm thu phí tăng lên nhanh do nhiều nguyên nhân như thẻ bị bẩn, hỏng, độ nhạy kém, xe có hai tài khoản, xe bị khóa thẻ...
Thống kê từ 27/10 đến ngày 28/11, tại trạm thu phí cầu Phú Mỹ tỉ lệ đọc thất bại của thẻ VDTC (Công ty Cổ phần giao thông số Việt Nam) vào khoảng 7,7%, thẻ VETC (Công ty TNHH Thu phí tự động VETC) vào khoảng 2,7%.
Ngoài ra, mức tăng trưởng của các phương tiện dán thẻ ETC (thẻ thu phí không dừng) trên địa bàn TP.HCM có chiều hướng giảm trong thời gian qua. Cụ thể, giai đoạn ngày 1/8 đến 30/8, số lượng các phương tiện dán thẻ ETC tăng 17,6% so với giai đoạn trước đó.
Tuy nhiên, giai đoạn từ ngày 1/9 đến 15/12, số lượng các phương tiện dán thẻ ETC chỉ tăng thêm được 8,2%. Tỉ lệ phương tiện sử dụng dịch vụ thu phí ETC tại các trạm thu phí cao nhất chỉ đạt 90%, không tăng thêm trong thời gian gần đây.
Từ khi đưa hệ thống thu phí ETC vào hoạt động (ngày 1/8) đến nay, tình hình giao thông trên tuyến đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vẫn còn diễn biến phức tạp.
Ban QLDA chậm giải ngân sẽ không được giao dự án mới
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng vừa chủ trì cuộc họp kiểm điểm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tháng 12/2022. Theo Bộ trưởng, năm 2022, kế hoạch vốn đầu tư công Bộ GTVT được giao thuộc nhóm cao nhất trong các Bộ, ngành. Song, với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Bộ, sự vào cuộc của các chủ đầu tư, kết quả giải ngân đạt được tương đối tốt. Khối lượng giải ngân trong hai năm 2021, 2022 bằng cả kế hoạch vốn của nhiệm kỳ trung hạn trước.
Xác định để đạt được kết quả giải ngân đạt được 96 - 100% kế hoạch theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khối lượng cần phải tiếp tục giải ngân trong tháng cuối cùng năm tài chính 2022 là khoảng 12.515 tỷ đồng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu đối với các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2017 - 2020 đang triển khai, các Ban QLDA/chủ đầu tư phải tập trung quyết liệt tháo gỡ khó khăn đẩy tiến độ để giải ngân bù cho khối lượng chậm.
Bộ trưởng cũng đồng thời nhấn mạnh, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công để nâng cao hơn nữa, bên cạnh nghiên cứu, đề xuất hình thức khen thưởng xứng đáng đối với các đơn vị có kết quả giải ngân cao, Bộ GTVT cũng sẽ xem xét trách nhiệm các chủ đầu tư không đáp ứng yêu cầu giải ngân do lỗi chủ quan. Không giao dự án mới nếu chưa hoàn thành nhiệm vụ ở dự án cũ.
Đưa vào khai thác cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ 31/12
Dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn kết nối tỉnh Quảng Trị với Thừa Thiên Huế đang chuẩn bị những công đoạn cuối cùng để thông xe. Hiện, đơn vị thi công đang gấp rút hoàn thiện các hạng mục phụ trợ để ngày 31/12 sẽ tổ chức lễ khánh thành, thông xe tuyến chính và đưa vào khai thác.
Đoạn tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn là 1 trong 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía Đông có tổng chiều dài xây dựng là 98,3km. Trong đó, đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Trị dài 37,3km, đoạn qua tỉnh Thừa Thiên Huế 61km. Tổng mức đầu tư dự án trên 7.600 tỉ đồng, gồm 11 gói thầu xây lắp.
Theo phê duyệt, giai đoạn đầu, dự án được đầu tư với quy mô hai làn xe, bề rộng nền đường là 12 m, riêng các đoạn vượt xe có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23 m. Giai đoạn hoàn chỉnh, tuyến cao tốc này sẽ có quy mô 4 làn xe, bề rộng nền đường là 23 m.
Nguyên Đỗ (tổng hợp)