Đỡ đẻ thành công ca sinh 3 hiếm gặp ở Đồng Nai
Báo Đồng Nai đưa tin, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai vừa đỡ đẻ thành công ca sinh 3 hiếm gặp. Cả mẹ và 3 bé đều an toàn, khỏe mạnh.
Cụ thể, sản phụ T.M.H (28 tuổi, ngụ xã Bàu Hàm, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai). Ở 3 lần sinh trước đó, vợ chồng chị H. đã có 3 con trai. Ở thai kỳ lần này, chị H. mang tam thai hoàn toàn tự nhiên.
Trong suốt thai kỳ chị đi khám, xét nghiệm, siêu âm đầy đủ ở các bệnh viện. Khi siêu âm thai ở tuần 14 thì biết mang thai 3. Chị H. dự tính khoảng 34 tuần sẽ nhập viện để sinh, tuy nhiên sau khi khám định kỳ ở tuần 32 thì thấy có biểu hiện sinh nên chị đã vào Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để sinh.
Bác sĩ CKI Lê Cao Cường ở khoa Sản Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, thai phụ nhập viện khi có dấu hiệu sinh, đã có những cơn gò bụng. Sau khi siêu âm thì tử cung mở 4cm với diễn tiến rất nhanh.
Các bác sĩ đánh giá trường hợp này không thể chuyển lên tuyến trên vì có thể sản phụ sẽ sinh trên đường đi. Do đó, các bác sĩ đã hội chẩn quyết định để thai phụ sinh tại bệnh viện.
Đặc biệt, mặc dù mang thai 3 nhưng sản phụ có khả năng sinh thường tốt. Để cuộc sinh diễn ra an toàn, thuận lợi, tua trực đã chuẩn bị đầy đủ mọi phương tiện hồi sức cho mẹ và bé. Chỉ trong thời gian ngắn, sản phụ đã sinh ra 3 bé trai an toàn, trong đó 2 bé nặng 1,7kg, 1 bé nặng 1,6kg.
Do sản phụ sinh non ở tuần 32 nên sau khi sinh, các bé được chuyển sang Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai để được chăm sóc chuyên nhi tốt hơn.
Bác sĩ Cường chia sẻ, đây là trường hợp rất hiếm gặp. Theo y văn thế giới, trong 100 ngàn ca sinh mới có 1 ca sinh 3. Trường hợp thụ thai tự nhiên “tam thai” như thế này là rất hiếm tại Việt Nam.
Cứu sống nam thanh niên có nguy cơ tử vong trên 90%
Theo VietNamNet, anh T.N.K. (25 tuổi, trú tại Vĩnh Phúc) được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cấp cứu trong tình trạng rất nguy kịch phải an thần, thở máy do rò tá tràng, nhiễm khuẩn huyết nặng, nguy cơ tử vong trên 90%.
Anh K. có tiền sử thủng tá tràng, viêm phúc mạc đã được bệnh viện tuyến dưới mổ khâu thủng, dẫn lưu ổ bụng. Sau mổ, bệnh nhân có dấu hiệu rò tá tràng, nhiễm khuẩn huyết, dẫn lưu ra khoảng 1,5 lít dịch tiêu hóa, sốt cao, suy hô hấp phải đặt ống thở máy.
Sau một thời gian nỗ lực điều trị, tình trạng nhiễm khuẩn của bệnh nhân tăng trở lại, rò tá tràng không cải thiện. Chụp CT cho thấy có nhiều ổ áp-xe bên trong ổ bụng và sau phúc mạc.
Việc rò tá tràng đã gây tổn thương sang các nội tạng khác, khiến cho quá trình tiến hành phẫu thuật gặp nhiều khó khăn và tỷ lệ tử vong lên đến hơn 90%. Nhưng nếu không phẫu thuật, sức khỏe anh K. sẽ ngày càng xấu hơn. Gia đình đã đồng ý để bệnh nhân được mổ lần nữa.
Bác sĩ CKII Trần Thượng Việt - Trưởng khoa Ngoại Tổng hợp, Tiết niệu và Nam học, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết ca mổ diễn ra trong 2 tiếng, ekip làm sạch ổ bụng, phá các ổ áp-xe cũ và đặt lại nhiều ống dẫn lưu mủ cũng như dịch tiêu hóa ra bên ngoài, đặt thêm hệ thống ống hút liên tục qua dẫn lưu vùng bị thủng ở tá tràng.
Sau 20 ngày, các lỗ rò tá tràng dần thu hẹp lại, dịch tiêu hóa không còn bị rò ra bên ngoài. Đến nay, tình trạng nhiễm khuẩn huyết được cải thiện. Sức khỏe bệnh nhân đang hồi phục dần.
Ca ghép tim “thần tốc” ở Bệnh viện Trung ương Huế
Báo Người Lao Động đưa tin ngày 30/10, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết đã thực hiện thành công ca ghép tim thứ 13 và là ca ghép tim xuyên Việt thứ 12 từ người cho chết não lấy tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Theo GS.TS Phạm Như Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, đây là ca ghép tim kỷ lục vì thời gian đặt quả tim vào lồng ngực đến khi trái tim đập nhịp đầu tiên chỉ hơn 50 phút.
Các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Bạch Mai vỡ òa hạnh phúc khi xem khoảnh khắc hình ảnh trái tim người hiến đập trở lại trong lồng ngực của một người khác.
Trước đó, anh L.T.S. (SN 1988; công nhân lái máy xúc ở Hà Nam) bị xuất huyết não, được gia đình đưa vào Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Trên đường đến viện, anh S. đã rơi vào tình trạng co giật chân tay, hôn mê và ngừng tuần hoàn.
Sau 9 ngày điều trị, tình trạng bệnh không cải thiện, rơi vào chết não. Sau khi được giải thích, gia đình anh S. đồng thuận hiến tạng để cứu sống người bệnh khác.
5h ngày 26/10, tại Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ đã thực hiện lấy các tạng hiến, đảm bảo chất lượng tốt. Trong đó, trái tim được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế bằng đường hàng không để ghép cho nam bệnh nhân bị suy tim giai đoạn cuối do bệnh cơ tim giãn, gan điều phối đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, 2 thận được ghép cho 2 bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai.
Sau 4,5 giờ kể từ khi nhận tim và đưa tim vào phẫu thuật, trái tim hiến tặng đã đập lại khỏe mạnh trong lồng ngực anh N.Đ.T. (SN 1985; ngụ Đà Nẵng) lúc 13h52 ngày 26/10.
Sau phẫu thuật 6 tiếng, bệnh nhân được rút ống nội khí quản với tình trạng huyết động ổn định chức năng tim 60%. Hiện bệnh nhân N.Đ.T tỉnh táo, huyết động ổn định, chức năng tim tốt EF 62%, ăn ngủ tốt, sinh hoạt trong phòng hồi sức tim.
Bác sĩ CKII Đặng Thế Uyên - Phó Giám đốc Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Trung ương Huế, cho biết ekip hoàn thành kỹ thuật ghép tim khá nhanh so với thường lệ là nhờ áp dụng các gói kỹ thuật tiến bộ giúp người ghép sớm hồi phục sau phẫu thuật. Sau 3 ngày, người bệnh hồi phục ngoạn mục các chức năng sống, ăn uống, sinh hoạt cá nhân bình thường trở lại.
Bên cạnh đó, do đã cùng nhau thực hiện ghép tim thuần thục qua nhiều ca ghép nên ekip phẫu thuật phối hợp rất ăn ý. Mặt khác, với sự giúp đỡ của Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia và Bệnh viện Bạch Mai, quả tim hiến đã tới Huế kịp thời gian ghép, giảm thiểu thời gian thiếu máu lạnh còn 4,5 giờ. Điều này giúp quá trình phẫu thuật thuận lợi hơn, người bệnh hồi phục nhanh hơn.