Tổng kiểm soát xe ô tô kinh doanh vận tải toàn quốc từ 1/8
Theo Bộ Công an, trước những diễn biến phức tạp của tình hình trật tự an toàn giao thông trong thời gian gần đây, nhất là trật tự an toàn giao thông do xe ô tô kinh doanh vận tải diễn ra vẫn chiếm từ 30% đến 40% tổng số vụ trật tự an toàn giao thông đường bộ, Bộ Công an đã ban hành kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện kinh doanh vận tải, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm, góp phần hạn chế tai nạn giao thông liên quan đến xe ô-tô kinh doanh vận tải hành khách, ô-tô vận tải hàng hóa bằng container, nhất là các vụ tai nạn giao thông rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng.
Lực lượng Cảnh sát giao thông trực tiếp tổ chức thực hiện tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm của xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách bao gồm: xe đưa đón học sinh, công nhân, xe hợp đồng chở khách, xe buýt và xe ô tô vận tải hàng hóa bằng container. Nghiên cứu nắm chắc thời gian, địa điểm, hành vi các phương tiện thường xuyên vi phạm để xây dựng kế hoạch, tập trung kiểm soát, xử lý có hiệu quả, trọng tâm, trọng điểm.
Các hành vi vi phạm được tập trung xử lý như: Vi phạm về quy tắc giao thông và điều kiện của người điều khiển phương tiện và phương tiện; nồng độ cồn, ma túy; xe hết niên hạn sử dụng, quá hạn kiểm định, quá khổ, quá tải; quá tốc độ; vi phạm phần đường, làn đường; Chạy xe vào làn đường khẩn cấp của đường cao tốc; dừng đỗ, đón trả khách không đúng nơi quy định; chở quá số người quy định; tránh, vượt; giấy phép lái xe, đăng ký xe, giấy chứng nhận hoặc tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường;
Cảnh sát giao thông sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành việc kiểm soát, cản trở, mọi hành vi lăng mạ, chống đối lại lực lượng làm nhiệm vụ...
Kế hoạch được triển khai từ ngày 1/8 đến ngày 15/10.
Phát hiện 3 thí sinh sử dụng công nghệ cao gian lận thi sát hạch lái xe
Sở GTVT TP.HCM cho biết, đơn vị vừa phát hiện và lập biên bản 3 thí sinh sử dụng công nghệ cao để can thiệp vào quá trình thi sát hạch giấy phép lái xe (GPLX).
Cụ thể, trong quá trình tổ chức các kỳ sát hạch cấp GPLX, Sở GTVT đã phát hiện và lập biên bản 3 thí sinh sử dụng công nghệ cao (điện thoại thông minh, thiết bị ghi âm, ghi hình) để can thiệp vào thi sát hạch GPLX tại Trung tâm sát hạch lái xe Trường Cao đẳng Giao thông vận tải TP.HCM (quận 12).
Ngay lập tức, Sở GTVT đã chỉ đạo Thanh tra Sở xử lý vi phạm của các thí sinh. Đồng thời, nhận thấy hành vi gian lận khi thi cấp GPLX tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông đường bộ, Sở GTVT đề nghị Công an TP.HCM tiến hành xử lý theo quy định nhằm ngăn chặn các trường hợp tương tự.
Trước đó, UBND TP.HCM cũng đã có chỉ đạo Sở GTVT, Sở Lao động Thương binh và Xã hội; Công an thành phố cùng các địa phương tăng cường phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong đào tạo, sát hạch, cấp đổi GPLX.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe đã tổ chức 1.079 kỳ sát hạch (môtô 617 kỳ, ôtô 462 kỳ) cho 184.876 thí sinh dự thi (môtô là 106.932 thí sinh, ôtô là 77.944 thí sinh), giảm 43.42% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả, thí sinh thi GPLX môtô có tỷ lệ đỗ 78,72% (giảm 1.92% so với cùng kỳ năm trước); thí sinh thi GPLX ôtô đỗ 55,09% (giảm 10,06% so với cùng kì năm trước).
Được biết, trên địa bàn TP.HCM hiện có 81 cơ sở đào tạo lái xe, với 8.011 giáo viên (giảm 10,44% so với cùng kì năm trước) và 4.884 xe tập lái (giảm 20,81% so với cùng kỳ năm trước). Các xe tập lái đã được lắp đặt thiết bị DAT.
Về việc trang bị thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe, đến nay có 56/63 cơ sở đào tạo lái xe ôtô báo cáo đã lắp đặt được 73 cabin học lái xe ôtô.
TP.HCM bổ sung nhiều tuyến đường sắt metro, đường trên cao vào quy hoạch
Sở GTVT TP.HCM vừa có thông báo đến các tỉnh, thành liên quan tới nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới đường sắt đô thị, đường trên cao, đường sắt kết nối vùng TP.HCM.
Cụ thể, về các tuyến đường sắt đô thị, Sở GTVT sẽ chủ trì, phối hợp với Ban quản lý đường sắt đô thị nghiên cứu thêm các giải pháp kết nối các nhà ga T1, T2, T3 tại sân bay Tân Sơn Nhất với các tuyến metro số 2, số 4 và số 6.
Đồng thời, nghiên cứu bổ sung quy hoạch kéo dài tuyến metro số 6, kết nối với tuyến đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành và tuyến nối đến khu đô thị lấn biển Cần Giờ. Từ đây, tuyến nối vào đường sắt Thủ Thiêm - Long Thành đã được quy hoạch, để tới sân bay Long Thành (Đồng Nai).
Với một số tuyến đường sắt đô thị kết nối với các tuyến metro số 3b và số 4, để kịp thời bổ sung vào đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2040, Sở GTVT TP.HCM đề nghị Sở GTVT tỉnh Bình Dương sớm có ý kiến chính thức và cung cấp tài liệu liên quan.
Sở GTVT TP.HCM cũng nghiên cứu bổ sung quy hoạch tuyến đường sắt chuyên chở khách kết nối hai đầu mối đường sắt Thủ Thiêm - Tân Kiên, tận dụng một phần hướng tuyến trước đây được quy hoạch cho tuyến monorail theo đường Nguyễn Văn Linh.
Ngoài ra, Sở GTVT nghiên cứu chuyển ga đầu mối hành khách quy hoạch cho tuyến đường sắt quốc gia hiện hữu (Hà Nội - TP.HCM) từ ga Bình Triệu (TP.HCM) về ga An Bình (tỉnh Bình Dương) theo đề xuất của tỉnh Bình Dương.
Từ đó, chuyển đoạn tuyến đường sắt quốc gia Hòa Hưng - An Bình (từ sau ga An Bình về ga Sài Gòn) thành đường sắt đô thị, giải phóng quỹ đất tại các trạm đầu mối kỹ thuật (Bình Triệu, Chí Hòa…) của đường sắt đô thị hiện hữu trên đoạn này cho phát triển mô hình TOD.
Về quy hoạch mạng lưới đường trên cao, các địa phương thống nhất bổ sung, điều chỉnh các tuyến đường trên cao, hình thành các trục Bắc - Nam, Đông - Tây kết nối với các tỉnh lân cận như:
Trục Bắc - Nam phía tây từ Vành đai 3 (QL22) đến cao tốc Bến Lức - Long Thành (đường Nguyễn Hữu Thọ).
Trục Bắc - Nam phía đông từ nút giao QL13 với Vành đai 3 (tỉnh Bình Dương) đến đường Nguyễn Văn Linh (nút giao cầu Phú Mỹ).
Trục Đông - Tây phía bắc từ Vành đai 3 đến nhánh phía tây đi xuyên tâm, kéo dài đến QL1K đến giao với Vành đai 3 (Bình Dương).
Tuyến trên cao đi dọc hành lang khép kín đường Vành đai 2 TP.HCM.
Bổ sung tuyến trên cao từ nút giao cao tốc Bến Lức - Long Thành đến khu đô thị lấn biển Cần Giờ và Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Anh Nguyễn (tổng hợp)