Đề xuất thêm trường hợp cấm vượt xe và các vị trí cấm dừng, đỗ
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đang được Bộ Công an lấy ý kiến đã bổ sung thêm trường hợp cấm vượt xe và bổ sung các vị trí cấm dừng, đỗ xe bao gồm: Trên đường hai chiều tại khu vực đỉnh dốc có tầm nhìn bị hạn chế; Nơi có biển báo cấm vượt; Ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường; Khi có người đi bộ qua đường; Ở gầm cầu hoặc đường hầm.
Đồng thời, vẫn cấm vượt xe tại các trường hợp như: Không bảo đảm các điều kiện vượt xe, trên cầu hẹp có một làn xe, khi điều kiện thời tiết hoặc đường không bảo đảm an toàn.
Bên cạnh đó, Điều 17 dự thảo Luật đã quy định thêm một số vị trí không được dừng, đỗ xe bao gồm: Cách xe ô tô đang đỗ ngược chiều dưới 20m trên đường phố, dưới 40m trên đường bộ đối với đường có một làn xe cơ giới trên một chiều đường;
Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; Trong phạm vi an toàn của đường sắt; Che khuất đèn tín hiệu giao thông; Trên đường xe điện, đường dành riêng cho xe buýt, trên miệng cống thoát nước, miệng hầm của đường điện thoại, điện cao thế, chỗ dành riêng cho xe chữa cháy lấy nước; trên lòng đường, hè phố trái quy định.
Cảnh sát giao thông sẽ không kiểm tra giấy tờ người ngồi sau xe máy
Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ có một số đề xuất mới liên quan tới quyền của CSGT trong tuần tra, kiểm soát như sau:
Dừng phương tiện tham gia giao thông đường bộ thuộc trường hợp quy định tại Điều 55 Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông để kiểm soát người, phương tiện, hàng hóa, hành lý, giấy tờ của phương tiện và người điều khiển phương tiện nhằm phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật;
Trường hợp thông tin giấy tờ của phương tiện, người điều khiển phương tiện đã được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử thì thực hiện kiểm soát các thông tin giấy tờ đó trên tài khoản định danh điện tử;
Xử lý vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính;
Huy động người, phương tiện, thiết bị dân sự trong trường hợp cấp bách; di chuyển phương tiện vi phạm dừng, đỗ trên đường bộ gây cản trở, ùn tắc giao thông hoặc nguy cơ dẫn đến tai nạn giao thông theo quy định tại Điều 57 Dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông;
Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phát hiện vi phạm hành chính về trật tự, an toàn giao thông đường bộ và vi phạm pháp luật khác theo quy định của pháp luật. Các quyền hạn khác theo quy định của Luật Công an nhân dân và quy định của pháp luật có liên quan.
Như vậy, theo đề xuất mới này thì khi tuần tra kiểm soát, CSGT sẽ không được kiểm tra giấy tờ của người ngồi sau xe máy như hiện nay.
Đề xuất xe máy phải bật đèn nhận diện khi tham gia giao thông
Tại dự thảo Luật Đường bộ đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, trong đó Bộ này đề xuất nhiều quy định mới liên quan đến xe gắn máy.
Cụ thể, tại Điều 49, về việc bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ có quy định như sau:
Xe mô tô, xe gắn máy đúng kiểu loại được phép tham gia giao thông phải bảo đảm các quy định về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường quy định tại các điểm a, b, d, đ, e, g, i, k, m, n khoản 1 Điều này; xe gắn máy không yêu cầu phải có đèn chiếu xa.
“Xe mô tô, xe gắn máy được sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu sau khi Luật này có hiệu lực phải có đèn tín hiệu nhận diện khi tham gia giao thông”- dự thảo Luật Đường bộ quy định.
Như vậy, tại dự thảo Luật mới, xe máy khi tham gia giao thông phải bật đèn nhận diện (cả ban ngày lẫn ban đêm).
Theo quy định hiện nay của Luật Giao thông đường bộ và Nghị định 100/2019 hiện nay, người điều khiển xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện; máy kéo, xe máy chuyên dùng…) bắt buộc phải sử dụng đủ đèn chiếu sáng trong thời gian từ 19 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau, khi sương mù, thời tiết xấu hạn chế tầm nhìn.
Trước đó, khi dự thảo Luật Đường bộ lần 1 (trước đó có tên là dự thảo Luật Giao thông đường bộ) cũng đã đưa đề xuất này tuy nhiên đã vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Anh Nguyễn (tổng hợp)