Thông tin được thống kê và công bố từ cổng thông tin của TAND tối cao, cho thấy không chỉ số vụ kiện đòi bồi thường bảo hiểm xe cơ giới tăng mạnh mà giá trị đòi bồi thường trong mỗi vụ cũng tăng.
Theo thống kê từ Bộ Tài chính, tính đến cuối tháng 8 năm nay, mảng bảo hiểm xe cơ giới mới đạt doanh thu 11.731 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 23% trong tổng doanh thu toàn thị trường; tỷ lệ bồi thường đạt 5,293 tỷ đồng, tỷ lệ bồi thường 45,1%.
Top 5 doanh nghiệp phi nhân thọ có thị phần doanh thu bảo hiểm xe cơ giới lớn nhất gồm: VNI (12,2%), MIC (12%), Bảo Việt (11,6%), PTI (11,4%) và PVI (10,9%).
Liên quan tới cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều tỉnh thành phía Bắc, ngành bảo hiểm ước tính thiệt hại được bảo hiểm sau bão đã lên tới 12.811 tỷ đồng. Thiệt hại thuộc nhóm về tài sản kỹ thuật, xe cơ giới chiếm tới 96%.
So với tổng số thiệt hại do bão là trên 80.000 tỷ đồng, tổng giá trị thiệt hại được bảo hiểm khoảng 17%. Đến nay, các doanh nghiệp bảo hiểm đã tạm ứng, bồi thường, chi trả bồi thường 213 tỷ đồng.
Theo những người am hiểu trong lĩnh vực, tranh chấp dân sự trong bảo hiểm phương tiện dẫn đến khởi kiện ra tòa có xu hướng tăng đã tăng nhanh (25% tổng số vụ kiện đòi quyền lợi bảo hiểm) so với con số trung bình trước đây (khoảng 10% tổng số vụ kiện bảo hiểm). Các vụ kiện đòi bồi thường bảo hiểm phương tiện thường có giá trị đòi bồi thường lớn, do phương tiện được bảo hiểm là tàu thuyền, ô tô có giá trị từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng, mức phí bảo hiểm cao.
Năm nay, vụ khởi kiện đòi bồi thường bảo hiểm lớn nhất, được tòa tuyên án xử phía bảo hiểm VNI phải bồi thường 8,872 tỷ đồng (số nguyên đơn đề nghị là 12 tỷ đồng). Bảo hiểm Bảo Minh cũng bị xử thua trong 3 vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại ô tô, tàu cá. Trong đó cácbên khởi kiện đòi 3,358 tỷ đồng, tòa tuyên xử phía Bảo Minh phải bồi thường tổng cộng 3,198 tỷ đồng.
Thành Đô