Trung tâm an toàn ô tô cho biết đã có hơn 220 đơn thư khiếu nại của người tiêu dùng gửi lên chính phủ Mỹ suốt từ năm 2010 đến nay về nguy cơ cháy xe, và 200 đơn thư khiếu nại khác liên quan đến sự cố chảy dây điện và có mùi cháy khét trong xe.
Mẫu xe 7 chỗ Hyundai Santafe của hãng xe Hàn Quốc đời 2011 - 2014 thuộc diện bị triệu hồi. |
Các đơn thư khiếu nại liên quan đến các mẫu Kia Sorento và Optima, Hyundai Sonata và Santafe phiên bản từ 2011 đến 2014, cùng các xe Kia Soul phiên bản từ 2010 đến 2015. Cơ quan An toàn giao thông quốc gia Mỹ (NHTSA) cũng đang xem xét các vụ chập cháy như một phần trong chiến dịch điều tra từ năm 2017 về lỗi động cơ xe Hyundai và Kia.
"Số lượng các vụ cháy ở đây cho thấy có vẻ như Hyundai và Kia nên ngồi lại và nghe ý kiến khách hàng cũng như các công ty bảo hiểm về lỗi thiết kế, sản xuất...," ông Jason Levine, Giám đốc trung tâm an toàn ô tô, cho biết. Thông tin về các vụ cháy đến từ khắp nơi trên nước Mỹ, trong đó có một trường hợp tử vong ở Ohio vào tháng 4/2017.
Hyundai cho biết: "Chúng tôi có một hệ thống "trực chiến" giám sát và điều tra các trường hợp cháy xe, bao gồm cả việc báo cáo lên NHTSA khi cần thiết. Việc cháy xe có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau".
Trong khi đó, Kia nói rằng đang có các nhân viên điều tra của chính công ty và cả của bên thứ ba vào cuộc xác định nguyên nhân các vụ cháy để có hướng giải quyết.
"Một vụ cháy xe có thể do nhiều nguyên nhân phức tạp, như lỗi sản xuất, bảo dưỡng không đúng, sử dụng phụ tùng không chính hãng, cố ý phá hoại, hoặc một số nguyên nhân khác không phải do xe, và cần được xem xét thật kỹ càng bởi một kỹ sư hoặc nhân viên điều tra được đào tạo bài bản và lành nghề," hãng này cho biết.
Trung tâm an toàn ô tô đã đệ đơn kiện, yêu cầu NHTSA điều tra các vụ cháy từ tháng 6. Cơ quan này cho biết vẫn đang xem xét đơn kiện và đã gửi thông tin tới Hyundai, Kia và các nhà sản xuất ô tô khác về việc này. Ông Levine cho biết trung tâm không biết nguyên nhân cháy.
Hồi tháng 5/2017, chính phủ Mỹ bắt đầu tiến hành điều tra xem Hyundai và Kia có khẩn trương triệu hồi 1,6 triệu xe do lỗi chết máy đúng quy định không.
NHTSA hiện đang xem xét 3 đợt triệu hồi của các hãng xe Hàn Quốc và cũng đang điều tra xem các nhà sản xuất ô tô này có tuân thủ các quy định về báo cáo thông tin cho các cơ quan chức năng không. Nếu thấy phía hãng xe quá chậm trễ trong việc triệu hồi xe, NHTSA có thể phạt hoặc yêu cầu mở thêm các đợt triệu hồi.
Ông Levine cho biết trung tâm này ghi nhận có cả chục đơn khiếu nại cháy xe đã từng được triệu hồi, tức là việc cháy xe có thể không liên quan đến lỗi động cơ nói trên.
Kia Sorento đời 2011-2014 cũng nằm trong diện yêu cầu triệu hồi. |
Trong một tài liệu đăng tải trên website của mình hồi năm ngoái, NHTSA cho biết đợt triệu hồi năm 2015 của Hyundai chỉ giới hạn ở các xe sản xuất trước ngày 12/4/2012. Công ty cho biết đã giải quyết vấn đề lỗi sản xuất sau ngày đó.
Khi triệu hồi xe vào năm 2015, Kia cho biết động cơ Theta II dung tích 2.0L và 2.4L của hãng (có cùng thiết kế với động cơ của Hyundai) không bị triệu hồi vì không gặp phải vấn đề này. Cả hai công ty đã mở thêm các đợt triệu hồi 18 tháng sau đó cũng do lỗi này; trong đó có các xe mà ban đầu cả hai nói là không bị ảnh hưởng.
Các đợt triệu hồi năm ngoái của hai nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc liên quan đến các mẫu xe bán chạy nhất của họ tại Mỹ, gồm Hyundai Santafe và Sonata phiên bản 2013 và 2014, Kia Optima phiên bản 2011-2014, Kia Sportage phiên bản 2011-2013, và Kia Sorento phiên bản 2012-2014.
Vào tháng 9/2015, Hyundai đã triệu hồi khoảng 470.000 chiếc xe vì các mảnh vụn khi sản xuất có thể chặn đường chảy của dầu bôi trơn tới các vòng bi. Điều đó có thể khiến các vòng bi trong động cơ 4 xi-lanh bị lỗi. Sau đó, hãng này thậm chí đã phải thay thế cả cụm động cơ cho một số xe.
Mới đây vào tháng 3/2017, hãng xe Hàn tiếp tục triển khai hai đợt triệu hồi khác với tổng số lượng xe lên tới 1,2 triệu chiếc và vẫn có cùng lỗi động cơ như trên.