Trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội, TP.HCM ế khách
Theo Bộ Giao thông Vận tải, hiện các trung tâm đăng kiểm ôtô đã hoạt động bình thường. Đặc biệt, các trung tâm đăng kiểm tại Hà Nội và TP.HCM đang thừa năng lực 30-40%.
Cụ thể, tại Hà Nội đã có 27 trung tâm đăng kiểm hoạt động trở lại, với 45 dây chuyền, đáp ứng kiểm định cho 2.700 xe/ngày, nhưng thực tế bình quân mỗi ngày chỉ có hơn 1.610 xe tới đăng kiểm (tương đương 60% năng lực thực tế).
Tại TP.HCM cũng có 17 trung tâm đăng kiểm với 33 dây chuyền hoạt động lại, có khả năng tiếp nhận khoảng 1.980 xe/ngày, nhưng thực tế chỉ có 1.355 xe/ngày tới đăng kiểm (bằng khoảng 68% năng lực đáp ứng).
Trước đó, để giảm ùn tắc đăng kiểm, Bộ GTVT đã áp dụng nhiều giải pháp, như: Sửa đổi, đề xuất sửa đổi quy định liên quan tới niên hạn đăng kiểm, điều kiện kinh doanh đăng kiểm; bổ sung nhân sự tăng cường cho các “điểm nóng” ở Hà Nội và TP.HCM; tổ chức đào tạo và sát hạch cấp chứng nhận đăng kiểm viên bổ sung; đề nghị lực lượng đăng kiểm Bộ Quốc phòng và Bộ Công an hỗ trợ đăng kiểm dân sự…
Bên cạnh đó, với việc đưa vào sử dụng hệ thống đăng ký đăng kiểm, người dân đã dần quen với việc đăng ký trước để không phải xếp hàng chờ đăng kiểm.
Bộ GTVT nhìn nhận tới nay, các trung tâm đăng kiểm đã không còn tình trạng ùn tắc, trở lại hoạt động bình thường. Hiện năng lực đáp ứng thực tế của các đơn vị đăng kiểm còn dư 32-45% so với nhu cầu.
Gần 374.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử lý trong 6 tháng đầu năm
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông và công an các đơn vị, địa phương bố trí lực lượng tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tai nạn giao thông.
Trên đường bộ, lực lượng chức năng tập trung xử lý vi phạm theo 5 nhóm chuyên đề: Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn; kiểm soát phương tiện vận tải hành khách, nhất là xe chở học sinh, công nhân viên, xe hợp đồng, phương tiện vận tải hàng hóa, xe chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm; cơi nới thùng xe và chở hàng quá trọng tải, quá khổ; vi phạm tốc độ; sử dụng các loại giấy tờ giả liên quan đến người điều khiển và phương tiện.
Cụ thể, 6 tháng qua, lực lượng Cảnh sát giao thông đã kiểm tra, xử lý hơn 1,68 triệu trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông, phạt tiền 3.251,8 tỷ đồng, tước hơn 328.000 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn; tạm giữ hơn 528.400 phương tiện các loại. Đặc biệt, riêng tuyến đường bộ đã xử lý 373.900 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (chiếm 22,6%)...
Chuẩn bị khởi công nhiều dự án giao thông đường bộ trọng điểm
Có 5 dự án giao thông đường bộ trọng điểm dự kiến được Bộ Giao thông Vận tải khởi công vào cuối năm 2023. Đây là thông tin được ông Uông Việt Dũng, Chánh Văn phòng Bộ Giao thông Vận tải cho biết tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải diễn ra chiều 10/7 tại Hà Nội theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Theo ông Uông Việt Dũng, thời điểm hiện tại, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án đang tích cực hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án mới; trong đó, 5 dự án sẽ phấn đấu khởi công vào cuối năm 2023 gồm: đường Hồ Chí Minh các đoạn: Chợ Chu - Ngã ba Trung Sơn dài 28,5 km; Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận dài 55 km; Chơn Thành - Đức Hòa dài gần 73 km; cao tốc Hòa Liên - Túy Loan với hơn 11 km và cầu Đại Ngãi.
Chia sẻ về hoạt động đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, theo ông Uông Việt Dũng, trong 6 tháng đầu năm, với tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm cao đã nỗ lực vượt khó, các chủ đầu tư/ban quản lý dự án, các nhà thầu, nhiều dự án quan trọng đã kịp thời được đưa vào khai thác sử dụng, đảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu.
Nguyễn Luận